Multimedia Đọc Báo in

Viết dưới chân Núi Hoa

15:03, 14/09/2014
Mỗi lần về Cư M’gar - vùng đất có ngọn núi lửa đã tắt hàng triệu năm qua, tôi luôn có cảm giác trong đời sống của các cộng đồng dân tộc thiểu số ở đây vẫn còn bàng bạc đâu đó những huyền thoại đẹp và lãng mạn, gắn liền với  những dấu tích và sinh hoạt văn hóa có từ buổi hoang sơ mà con người đã từng sáng tạo ra để không những nuôi dưỡng khát vọng chinh phục của mình, mà còn tìm cách thăng hoa nó giữa bộn bề cuộc sống. 

Nghệ nhân kể khan Ama Nghen (ở buôn Tul-xã Ea Tul) sau khi hát cho tôi nghe vài đoạn sử thi Đam San, rồi dẫn tôi đến bến nước và bảo rằng: “Đây là chỗ Đam San ngồi đợi người yêu thuở nào. Từ tảng đá hiện vẫn còn nguyên vẹn ấy, chàng đã dùng thanh gươm chính nghĩa của mình cắm sâu vào lòng đất, từ đó một dòng nước mát lành tuôn chảy cho đến ngày nay…”.

Lời kể của Ama Nghen khiến tôi mường tượng ra chàng dũng sĩ lẫy lừng kia như đang trở về bằng xương, bằng thịt và đang ở đâu đó giữa núi rừng Cư M’gar hoang sơ thuở nào. Vẻ đẹp và khát vọng của Đam San hiện ra không thua kém bất kỳ những hình ảnh tráng lệ nào có trong sử thi Hy Lạp: “Bắp chân chàng to như cây xà ngang, bắp tay chàng to như ống bể, sức chàng ngang sức voi đực, hơi thở ầm ầm như sấm dậy. Đam San vung khiên múa. Một lần xốc tới, chàng vượt qua một đồi tranh. Một lần xốc tới chàng vượt qua một đồi lồ ô. Chàng chạy vun vút qua phía đông, chạy vun vút về phía tây. Chàng múa trên cao, gió như bão. Chàng múa dưới thấp, gió như lốc. Khi chàng múa khiên, quả núi ba lần rạn nứt, đồi tranh ba lần bật rễ…”.

Hình ảnh Đam San hiện về như giấc mơ đẹp và cũng từ ký ức ấy giúp con người hiện tại biết gìn giữ và trân quý những gì còn lại. Ama Nghen nhận thức rõ điều đó và chia sẻ thêm với tôi: Nhiều dấu tích liên quan đến sử thi Đam San, như bến nước Ea Tul kia, đến giờ vẫn thế, nước trong vắt và miệt mài chảy chưa bao giờ dứt. Cộng đồng người Êđê ở đây coi đó như là “ân sủng” của chàng Đam San, hay nói đúng hơn là của cha ông để lại, nên phải ra sức bảo tồn và phát triển. Qua chuyện trò, tôi hiểu Ama Nghen đã đi xa hơn - rằng khi một dấu tích (di tích) nào đó có mối liên hệ gắn kết với cộng đồng, dù dưới bất kỳ hình thức, tính chất nào thì trong tâm tưởng mọi người đều coi đó niềm tin để tri ân và hy vọng. Nói cách khác, niềm tin ấy như “vỏ bọc” tâm linh giúp chúng ta bảo vệ những giá trị truyền thống một cách hữu hiệu hơn.

Bến nước Ea Tul gắn với dấu tích của Đam San nay vẫn được  gìn giữ, bảo tồn.
Bến nước Ea Tul gắn với dấu tích của Đam San nay vẫn được gìn giữ, bảo tồn.

Ý hướng trên của Ama Nghen khiến tôi nhớ đến già làng Ama Hem (ở Cư Dliê Mnông-Cư M’gar) khi ông làm chủ lễ cúng Yàng rừng Mrưng, Mrứ nhân dịp tạ ơn mùa màng, sức khỏe cho dân làng: ““Ơ Yàng! Ta đã vào rừng M’rứ, xuống núi M’rưng, vào đồi cỏ tranh, lau lách, đến nơi con thú chưa biết dấu chân người. Ta đã leo lên núi nhiều hoa, xuống suối nhiều cá, nay ta đã về nhà. Rượu một ché, trâu bảy con ta cúng thần núi. Rượu hai ché, bò một con tôi cúng thần rừng. Rượu bảy, heo một tôi cúng thần suối. Cầu cho đất người Êđê luôn nở hoa, cháu con ta luôn mạnh khỏe… ơ Yàng!”. Già bảo rằng, những địa danh đó luôn có Yàng ngự trị, che chở vì thế trong lòng mỗi người dân ở đây không bao giờ có chuyện tự ý phá rừng, nhờ vậy mà từ bao đời nay rừng núi Cư Dliê Mnông luôn được gìn giữ bằng chính tấm lòng và niềm tin của họ. Già Ama Hem còn chắc một điều: khấn Yàng (Klei oiu Yang) cũng là việc phải làm thường xuyên của cộng đồng mỗi khi có chuyện hệ trọng, ngay cả kể khan cũng không ngoại lệ. Có lần vào thăm Cư Dliê Mnông, tôi đã nghe già khấn trước khi kể khan cho con cháu nghe: “Hỡi các Yàng trên ngọn núi Cư Dliê Mnông này! Ta cho con chim Nghiếc đến gọi, chim K’rao đến kêu, chim Kút đến mời và bầy chim Biê đến báo cho mọi người. Đêm nay ta kể khan, cổng làng đã mở then cài… và con gái, con trai, người già, người trẻ đã về đông đủ…”. Đêm ấy, già Ama Hem kể khan Đăm Di và nói với mọi người: “Từ xưa đến nay, Yàng đã ngự trị trong mỗi suy nghĩ, việc làm của người Êđê.

Thậm chí trong mỗi hạt lúa, hạt ngô, cái chiêng, cái ché đều mang linh hồn của Yàng, vậy nên phải biết tôn trọng, nâng niu mọi thứ và tất nhiên không được làm trái với niềm tin ấy.” Từ thuở nào, cuộc sống của cộng đồng người Êđê ở đây trong khan Đăm Di đã thể hiện điều đó. Minh chứng là trong sử thi này, chàng Xinh M’nga vì thương dân làng cơ khổ do hạn hán hoành hành, chàng đã đã khẩn cầu Yàng ban cho cơn mưa để cho đất đai, cây cỏ, mùa màng thôi héo quắt. “Chàng Xinh M’nga cầu chưa khép miệng thì trên trời đã có những đám mây đen tụ lại, những luồng gió bão bắt đầu thổi xuống trần gian… Trai làng ngồi đánh chiêng, già làng ngồi uống rượu, ăn thịt trâu bò. Giết bảy con bò chỉ ăn trong một ngày, thui bảy con trâu chỉ ăn trong một bữa. Chiêng bằng, chiêng núm cả bộ treo lên cột không bao giờ cởi dây. Tôi trai, tớ gái lên xuống cầu thang không bao giờ dứt.”- Già Ama Hem tiếp tục kể…và niềm tin “vạn vật hữu linh” trong đời sống của người Êđê xưa lại hiện về. Không ít lần tôi có cảm giác, niềm tin ấy từ trong truyện cổ, trường ca, sử thi bước ra đời sống thực và đã ít nhiều chi phối, dẫn dắt con người hướng tới những điều đẹp đẽ, cao thượng hơn. Chí ít là trong đời sống hôm nay, những giá trị văn hóa, tinh thần từng có trong ký ức của họ đã bắt đầu lan tỏa và nâng đỡ cho cộng đồng bớt chênh vênh, rạn nứt trước những thay đổi của cuộc sống văn minh hiện đại đang diễn ra.

Già làng Ama Hem cũng như nghệ nhân Ama Nghen đều có chung một tâm niệm: trên vùng đất Cư M’gar hôm nay, người ta bắt đầu nói đến các giá trị mới được hình thành như là điều tất yếu. Nhưng có một điều may mắn là các giá trị mới này chưa làm suy yếu đi phần căn bản đã thấm vào máu thịt của người Êđê bản địa, bởi niềm tin của họ được thắp lên từ vốn văn hóa sâu dày, độc đáo…vẫn được kể lên, lắng nghe và kế tục từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.