Multimedia Đọc Báo in

Nỗi niềm nghệ nhân

16:04, 17/08/2014

Nghệ nhân là những người am hiểu một hay nhiều lĩnh vực văn hóa dân gian nào đó. Phần lớn họ đều cao tuổi, có uy tín và giữ vai trò trọng yếu trong việc lưu giữ và truyền bá vốn văn hóa dân gian của dân tộc mình. Nói cách khác, mỗi nghệ nhân chính là một “bảo tàng sống” của cộng đồng.

Khó khăn đè nặng

Cũng do tuổi cao, sức yếu nên hầu hết các nghệ nhân ở Dak Lak nói riêng và cả nước nói chung đều có cuộc sống khó khăn. Nếu không phụ thuộc vào con cháu, thì cũng âm thầm mưu sinh bằng nghề nào đó để kiếm sống qua ngày. Tôi đã thấy và chia sẻ với rất nhiều hoàn cảnh như vậy từ nhiều năm nay.

Còn nhớ cách đây chừng 10 năm, nghệ nhân Y Jơn (ở buôn Sek, xã Ea H’leo) sống trong căn nhà mà như nhà văn Nguyên Ngọc mô tả là“ bốn bề đầy gió, ở đó không có gì đáng giá ngoài chiếc goong và vô số băng đĩa, bản nháp ghi chép và thu âm lại những bài dân ca Jarai, Êđê…mà cả đời ông góp nhặt được”. Khoản tiền Nhà nước trợ cấp cho nghệ nhân Y Jơn hằng tháng, hoặc vài đồng nhuận bút ít ỏi mà Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) Cơ quan thường trú Tây Nguyên trả cho ông mỗi khi được mời cộng tác cũng chỉ đủ cho con người được ví như “ngọn gió vô định” kia lang thang khắp các buôn làng. Ngày ông nằm xuống (đầu năm 2001), đưa tiễn con người tài hoa ấy ra đi, tôi thấy có nhiều vòng hoa phúng điếu của chính quyền địa phương và ngành văn hóa các tỉnh Dal Lak, Gia Lai, Kon Tum… với dòng chữ: “ Vĩnh biệt nghệ nhân Y Jơn”. Thế cũng đủ an ủi ông rồi, vì được biết lúc đó hai từ “nghệ nhân” mà người ta dành cho Y Jơn là do Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đề trên Bằng khen vào năm 1997 vì đã có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp sưu tầm, nghiên cứu và gìn giữ vốn dân ca, dân vũ của các dân tộc bản địa Tây Nguyên, chứ không phải do Nhà nước vinh danh như nhiều người nghĩ, thành ra mọi chế độ đãi ngộ cho ông không có gì đáng kể.

Nghệ nhân Ama Ril (xã Ea Tul - Cư M’gar) kiếm sống bằng nghề chế tác nhạc cụ truyền thống.
Nghệ nhân Ama Ril (xã Ea Tul - Cư M’gar) kiếm sống bằng nghề chế tác nhạc cụ truyền thống.

Nghệ nhân Điểu Kâu, người hát kể Ót Nrông trứ danh ở huyện Dak Rlấp-Dak Nông cũng có hoàn cảnh tương tự. Những năm tháng cuối đời của ông sống dựa vào cô con gái Thị Mai làm nghề cắt may trong thị trấn. Nhiều lần gặp ông khi còn sống, được nghe người từng một đời hết mình tìm kiếm, gìn giữ dòng sử thi nổi tiếng này mà cứ ngậm ngùi, rằng một chiếc máy cattsete để thu âm cũng phải xin các anh chị ở Đài TNVN, chứ không có tiền mua nổi. Những tháng ngày miệt mài đi lại khắp cao nguyên M’nông để ghi chép, chỉnh sửa và hoàn thiện nhiều câu chuyện cổ, văn hóa dân gian, luật tục…bàn chân ông có khi rướm máu và đã chai sần. Khoảng những năm 1998-2000, nghệ nhân Điều Kâu phối hợp với cán bộ Phòng Nghiệp vụ văn hóa (Sở Văn hóa-Thông tin Dak Lak cũ) nghiên cứu, sưu tầm, biên dịch và xuất bản cuốn sách “Truyện cổ M’nông” thì ông mới có chút tiền thù lao mua được chiếc xe máy Trung Quốc. Có lần ông tâm sự với tôi: đó là gia tài lớn nhất của mình và cũng nhờ có phương tiện đi lại này mà trong nhiều chuyến điền dã ở các bon làng xa xôi để góp nhặt, xâu chuỗi lại những chương, đoạn Ót N’rông rời rạc và đứt quãng phục vụ cho Dự án “ Nghiên cứu, sưu tầm, biên dịch và xuất bản sử thi Tây Nguyên” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2007 một cách nhanh chóng và có chất lượng hơn. GS-TS Ngô Đức Thịnh (Viện nghiên cứu Văn hóa Việt Nam) - một trong những thành viên thực hiện dự án trên đánh giá về nghệ nhân Điểu Kâu nhận xét: Đó là con người “đặc biệt” trong số người đặc biệt, bởi trí nhớ của ông quả thật phi phàm. Một Ót N’rông của dân tộc M’nông dài hàng chục nghìn câu ông đều thuộc hết, và thuộc rất nhiều Ót N’rông như thế. Phải chăng do không có điều kiện, phương tiện tối thiểu (như máy thu âm, băng cattsete) để phục vụ cho công tác nghiên cứu, sưu tầm nên ông phải rèn luyện cho mình trí nhớ siêu tuyệt đến như vậy, hay là do đam mê không thể cưỡng được? Tại một cuộc Hội thảo Quốc tế về sử thi Tây Nguyên được tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột vào trung tuần tháng 6-2008, nghệ nhân Điểu Kâu chân thành trả lời: do cả hai (nghèo và đam mê). GS-TS Ngô Đức Thịnh công nhận rằng ông nghèo thật! Nghèo đến nỗi khi mời ông tham gia thực hiện Dự án “Nghiên cứu, sưu tầm, biên dịch và xuất bản sử thi Tây Nguyên” thì ngoài trí nhớ tuyệt vời của mình, Điểu Kâu chỉ có cái máy cattsete cũ mèm và chiếc xe máy cà tàng thường hỏng hóc mà không có tiền sửa chữa.

Tuy nhiên, dù sao nghệ nhân Điểu Kâu vẫn may mắn và hạnh phúc hơn so với nhiều nghệ nhân khác vì những năm cuối đời ông có cơ hội tham gia một dự án lớn mang tầm cỡ quốc gia, và nhờ vậy đã giúp ông có món tiền kha khá để sửa sang lại nhà cửa và an hưởng tuổi già cho đến ngày nhắm mắt vào cuối năm 2011. Còn những nghệ nhân nổi tiếng khác như K’Ngân (chế tác nhạc cụ truyền thống ở Ea H’leo), Ama Rih (chỉnh sửa, diễn tấu cồng chiêng ở Cư Mgar) và Ama Puynh (tạc tượng nhà mồ ở Buôn Đôn)… đều sống trong cảnh khó khăn, thiếu thốn cho đến khi trở về với “thế giới ông bà”.

Bao điều trăn trở

Ai cũng biết mỗi nghệ nhân mất đi là mang theo luôn vốn liếng văn hóa dày công tích lũy và trải nghiệm được từ cuộc sống tinh thần cũng như vật chất của dân tộc mình. Không nói đâu xa, tính từ năm 2001 đến nay đã có hàng chục nghệ nhân nổi tiếng trong các lĩnh vực trên ra đi mà không có người kế thừa một cách đầy đủ và trọn vẹn.

Sự mất mát này, nói như Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân (Hội Văn học-Nghệ thuật Dak Lak) là không gì bù đắp nổi. Ông dẫn chứng, cứ qua mỗi cuộc liên hoan hay hội diễn văn hóa-văn nghệ các dân tộc (cấp huyện hay tỉnh) thì lần lượt lộ rõ sự khuyết thiếu, mai một dần vốn văn hóa bản địa. Chẳng hạn như năm 2007, Liên hoan Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được tổ chức tại Buôn Ma Thuột, nhóm nghệ nhân ở xã Dak Rung (Dak Song - Dak Nông), hay nhóm nghệ nhân ở Ea Kpam (Cư M’gar) diễn tấu được 6-7 bài chiêng cổ. Hai năm sau, Liên hoan cồng chiêng tiếp tục mở ra và cũng các đội chiêng ấy tham gia, nhưng chỉ diễn tấu được 2 đến 3 bài, bởi vì một số nghệ nhân ở đó đã không còn nữa. Rõ ràng, qua thực tế ấy mới thấy mất cồng chiêng, hoặc “chảy máu” một giá trị văn hóa nào đó không quan trọng bằng mất nghệ nhân, mất bài bản truyền thống! Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Linh Nga Niê Kdăm và nhạc sĩ Y Phôn K’sor cũng có chung góc nhìn và trăn trở với điều đó. Hai vị trong Ban giám khảo cuộc Liên hoan Văn hóa - Thể thao các dân tộc bản địa ở TP. Buôn Ma Thuột được tổ chức hồi đầu tháng 3-2013 đã không khỏi tiếc nuối khi Ban tổ chức cho biết tất cả 30 buôn, khu dân cư trên địa bàn thành phố không thể tham gia đầy đủ 30 đội chiêng và 30 tiết mục hát Kưt (một lối hát dân ca kèm biểu diễn nhạc cụ dân tộc) như đã đăng ký trước đó, vì nhiều nghệ nhân cao tuổi đột ngột qua đời.

Đến nay, ngành văn hóa cho biết chưa thể thống kê đầy đủ số nghệ nhân trên các lĩnh vực còn lại là bao nhiêu người, có hoàn cảnh đời sống như thế nào? Song, ông Bùi Văn Khối-Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa (Sở VH-TT-DL) chắc chắn một điều: Hầu hết họ đều sống trong hoàn cảnh khó khăn do tuổi cao, sức yếu và không có nguồn thu nhập ổn định, nên mức độ đóng góp và cống hiến cho cộng đồng, xã hội còn hết sức hạn chế. Nghệ nhân chế tác nhạc cụ Y Bhim Niê (ở Cư M’gar) và nghệ nhân hát kể sử thi M’nông-Điểu Klứt (xã Krông Na-Buôn Đôn) tâm sự rằng: lo miếng ăn hàng ngày đã khó, còn hơi sức đâu mà để tâm đến văn hóa, di sản của ông bà. Thấy những gì ông bà để lại đã và đang mất mát, thậm chí lụi tàn… cũng xót xa thật, nhưng gánh nặng cuộc sống luôn đè nặng, đành “lực bất tòng tâm”. Họ mong ước được Nhà nước hỗ trợ để có một phần thu nhập ổn định, cải thiện đời sống; sau đó mới có thể chú tâm vào việc gìn giữ, truyền thụ và phát huy vốn văn hóa của mình cho con cháu.

Mong ước của họ là chính đáng và đang dần trở thành hiện thực khi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về việc tôn vinh, phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân” cho những người có đóng góp đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp gìn giữ, phát huy nền Văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc vừa được Chính phủ thông qua. Sở VH-TT-DL cho biết: sự tôn vinh đi kèm với chế độ đãi ngộ này sẽ được ngành văn hóa triển khai từ tháng 8-2014, và nếu không có gì thay đổi thì đến năm 2015 những nghệ nhân được lựa chọn và tôn vinh sẽ thỏa nguyện niềm mong ước, để họ không còn thiệt thòi, tủi phận như lớp nghệ nhân đi trước nữa.

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc