Multimedia Đọc Báo in

Chân dung nghệ sĩ

Họa sĩ Lê Vấn với "Hồi ức Buôn Ma Thuột"

09:31, 31/10/2014

Buôn Ma Thuột giờ đã khác xưa, diện mạo đô thị này ngày càng hiện đại hơn. Điều đó hẳn ai cũng thấy, nhưng có một Buôn Ma Thuột cách đây gần 30 năm về trước với những con phố nhỏ yên bình, những nếp nhà gỗ đơn sơ và thanh thoát, nằm nép mình dưới rặng cây xanh mướt, hiền hòa thì không phải ai cũng biết. Lưu giữ những hình ảnh thân thương ấy cho bao người sống và gắn bó với Buôn Ma Thuột hôm nay nhìn lại để trân trọng hơn trước tiến trình đô thị hóa, hiện đại hóa cuộc sống… là ý tưởng của họa sĩ Lê Vấn - và anh cho đó là trách nhiệm công dân của người nghệ sĩ.

Cùng nhau hồi ức...

Một khi đã xác định là trách nhiệm thì bằng cách nào đó phải thể hiện được mình trước cộng đồng và xã hội. Vì thế họa sĩ Lê Vấn đã miệt mài vẽ lại những hình ảnh thân thương trên trong suốt 26 năm qua, để hôm nay cho ra mắt triển lãm mỹ thuật mang tên “Hồi ức Buôn Ma Thuột” nhằm phục vụ đông đảo công chúng.

    Họa sĩ Lê Vấn.
Họa sĩ Lê Vấn.

50 bức tranh màu nước của họa sĩ Lê Vấn được trưng bày một cách bình dị, gần gũi trong tiền sảnh Bảo tàng Dak Lak (12 Lê Duẩn) từ ngày 31-10 đến ngày 8-11-1014 chắc chắn là điểm hẹn cho những ai yêu mến thành phố này đến đây để cùng nhau hồi ức... Họa sĩ Lê Vấn trần tình: “Khi tôi vẽ để ghi lại những hình ảnh nhà cổ, nhà gỗ, buôn làng và phố xá xưa cũ với nhiều cảm hứng, say mê,… tôi cảm thấy hạnh phúc, vì tôi bày tỏ được tình cảm, trách nhiệm nghệ sĩ của mình với thành phố mến yêu này. Tôi lưu giữ những hình ảnh của Buôn Ma Thuột cũng tự nhiên như những người Kinh, người đồng bào dân tộc thiểu số ở đây đã chăm chút nên một Buôn Ma Thuột những ngày tháng cũ, tuy nhỏ bé mà duyên dáng, giản dị mà thanh lịch, mộc mạc mà hào sảng biết bao”. Đúng thế, 50 bức tranh màu nước của anh được xếp đặt có chủ ý theo từng chủ đề: phố nhà gỗ, phố cổ, đường về phố, về buôn dễ dẫn dắt người thưởng lãm chạm đến kỷ niệm xưa là những ngôi nhà gỗ đã từng một thời hiện hữu trên phố Y Jút, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Hai Bà Trưng… ngày nay. Hay người xem cũng dễ dàng bắt gặp trong phòng tranh này không ít cảnh cũ, người quen là một chuyến xe thổ mộ trên đường phố bảng lảng nắng gió, ngôi biệt thự tĩnh lặng trong không gian đầy cây rừng và lá vàng rơi, hay những nếp nhà dài nằm lặng thinh trong khói lam chiều…

Cảnh cũ, người xưa        

Người còn đây, mà cảnh cũ đâu rồi? Xem tranh xong nhiều người hỏi thế, nên sự vấn vương với “Hồi ức Buôn Ma Thuột” càng lâu. Người bạn đồng môn với Lê Vấn - họa sĩ Võ Xuân Huy ở Huế cho rằng: Cái gam màu ấm nóng - chủ yếu là vàng, nâu... thi thoảng có điểm xuyết trắng hồng duyên dáng và rất đúng chỗ làm cho 50 bức tranh màu nước kia thêm gợi, khiến người xem có cảm giác lắng lại thật lâu và thật sâu để cho hồi ức của mình về Buôn Ma Thuột ngày nào như dòng nước - có khi yên ả, mát lành; có khi gầm réo, sục sôi chảy ngược vào tim những ai yêu mến thành phố thân thương này. Nói cách khác, đứng giữa phòng tranh ấy, không ai là không miên man suy ngẫm: gần gũi đó mà cũng quá đỗi cách xa! Cái gần gũi nhờ người họa sĩ đã chân thành mang lại, còn cách xa là vòng quay của thời gian cùng với biết bao thay đổi của thực tế. Xem “Hồi ức Buôn Ma Thuột” mà dậy lên bao cảm xúc, trắc ẩn như thế là đã thành công lắm rồi! Bởi theo họa sĩ Võ Xuân Huy: “Đó không hẳn là trách nhiệm công dân của người nghệ sĩ Lê Vấn như anh đã khiêm tốn trần tình, mà đó còn là sứ mệnh của nghệ thuật đích thực - đưa con người ta đi xa hơn chỗ mình đang đứng, dốc mình nghiêng xuống hiện thực cuộc đời để chia sẻ, chiêm nghiệm với những gì đã qua và đang đến”.

 Với Buôn Ma Thuột, nhiều người có tâm huyết cho rằng Lê Vấn dành tặng cho mảnh đất này bằng một “Hồi ức Buôn Ma Thuột” ấm nóng, chân thực như thế là đủ. Riêng tôi, tôi còn mong anh và những ai đã từng đến đây rồi gắn bó cùng xác quyết một điều: “Nếu phải hiểu để mà có thể yêu, thì phải yêu để mà có thể hiểu” như tâm niệm và cũng là yếu chỉ của nhà dân tộc học Jacques Dournes dành cho mảnh đất này cách đây gần thế kỷ.

 Đình Đối


Ý kiến bạn đọc