Multimedia Đọc Báo in

Anh vợ, em rể đều nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về âm nhạc

16:39, 19/10/2014
Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật là giải thưởng cao nhất của Nhà nước ta tặng các văn nghệ sĩ có những đóng góp to lớn về văn học nghệ thuật từ Cách mạng Tháng Tám cho tới nay. Đợt I, riêng về lĩnh vực âm nhạc trao năm 1996, giới nhạc sĩ có nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Lưu Hữu Phước.
 
Đợt II trao tặng 5 nhạc sĩ vào tháng 9-2000 gồm: Nguyễn Văn Thương, Phan Huỳnh Điểu, Nguyễn Văn Tý, Xuân Hồng và Hoàng Hiệp. Trong số này thì ba nhạc sĩ đã mất. Hiện nay chỉ còn hai nhạc sĩ là Phan Huỳnh Điểu và Nguyễn Văn Tý, cả hai đang sống ở thành phố Hồ Chí Minh và cùng thọ 90 tuổi (đều sinh năm 1924).

Trong số 5 nhạc sĩ được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh trên đây thì có 2 người: Một là anh vợ, một là em rể. Đó là nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương – anh vợ nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương (sinh ngày 22-5-1919 – mất ngày 5-12-2002) - là Giáo sư, NSND. Quê xã Vân Khê, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông thuộc thế hệ nhạc sĩ trước Cách mạng Tháng Tám. Là người đặt viên gạch đầu tiên cho phong trào Tân nhạc Việt Nam từ những thập niên đầu của thế kỷ 20, ông đã tu nghiệp tại Đức, từng đảm nhiệm Giám đốc nhạc viện Hà Nội. Ông là nhạc sĩ vừa sáng tác, vừa làm công tác quản lý, chỉ đạo nghệ thuật và đào tạo. Các nhạc phẩm của ông là: “Trên sông Hương” 1936, Bướm hoa, Đêm đông (1938), “Bình Trị Thiên khói lửa” (1947), Tiếng hát trên Quảng trường Ba Đình, Dâng Người tiếng hát mùa xuân viết sau 1970 và nhiều bản nhạc không lời, kịch múa, nhạc phim, hợp xướng,…

Năm 1953, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý lấy em gái nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương là bà Nguyễn Thị Bạch Lê. Bà đã mất cách đây 20 năm, sinh được một người con gái tên là Thái Linh – Nguyên giảng viên Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh, nghệ sĩ Piano.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý quê ở Vĩnh Phúc, nhưng lại sinh ra ở TP. Vinh – Nghệ An. Vì cụ thân sinh từ Vĩnh Phúc vào làm công nhân xe lửa ở Tràng Thi, lập nghiệp và xây dựng gia đình ở TP. Vinh. Nguyễn Văn Tý là nhạc sĩ lãng mạn, với nhạc phẩm đầu tay “Dư âm” viết năm 18 tuổi. Ông sớm từ bỏ tư tưởng tiểu tư sản, đi hoạt động Việt Minh từ năm 1944. Cuối năm 1949 ông được kết nạp vào Hội Văn nghệ Việt Nam. Năm 1957, Hội Nhạc sĩ Việt Nam thành lập, ông được bầu vào Ban Chấp hành Hội nhạc sĩ Việt Nam, Tổng Biên tập tập san Âm nhạc. Đến nay nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã viết gần 200 ca khúc ca ngợi nhiều ngành nghề, địa phương, nhất là đề tài phụ nữ, xây dựng nông thôn, nông nghiệp. Đặc biệt ba bài hát về đề tài phụ nữ đều đạt giải nhất “Tiễn anh lên đường” (Giải nhất về đề tài Ba đảm đang), Bài ca năm tấn (Giải nhất về phụ nữ làm nông nghiệp) và “Em đi làm tín dụng” (Giải nhất về đề tài Ngân hàng).

Không chỉ viết về phụ nữ như: “Dáng đứng Bến Tre”, “Cô nuôi dạy trẻ”, “Mẹ yêu con”, “Bài ca người phụ nữ Việt Nam”... Ông còn có những ca khúc nổi tiếng khác về xây dựng và chiến đấu như: “Tấm áo mẹ vá năm xưa”, “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ”. Ông còn sáng tác cho thiếu nhi như các bài: “Màu áo chú bộ đội”, “Út cưng”, “Bi po pi po”, “Tôi là gà trống”, “Mèo lười” (còn có tên là Con mèo mũi đỏ),… Ngoài ra Nguyễn Văn Tý còn sáng tác nhạc kịch múa, chèo, kịch hát, múa rối, hoạt hình. Những năm 60 và 70 của thế kỷ ông còn viết nhạc cho một số vở chèo và hát chèo. Bởi vậy, nhạc của Nguyễn Văn Tý thấm đậm chất dân ca, giàu giai điệu tha thiết, trữ tình.

Cả hai nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý và Nguyễn Văn Thương đều là những tài năng âm nhạc xuất sắc, có nhiều cống hiến nghệ thuật cho đất nước.

Lê Hồng Bảo Uyên (giới thiệu)


Ý kiến bạn đọc


Trang trọng lễ đón hài cốt liệt sĩ từ Campuchia về nước
Ngày 22/5, Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk trang trọng tổ chức Lễ đón nhận, truy điệu, an táng 27 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Campuchia