Multimedia Đọc Báo in

Cây đàn tính trong nghi lễ Then của người Tày Tây Bắc

14:15, 09/01/2015
Theo các nghệ nhân dân gian người Tày ở vùng Tây Bắc, hát Then từ lâu đã có mặt ở các bản Tày và là một hình thức sinh hoạt văn hóa cổ truyền mang đậm bản sắc dân tộc. Để có những giai điệu Then trong trẻo, ấm áp thì cây đàn tính là một yếu tố đặc biệt quan trọng.

Cây đàn tính hay còn gọi là tính tẩu, xưa kia được đồng bào Tày Tây Bắc chế từ quả bầu và gỗ lấy từ rừng; gồm ba bộ phận chính: bầu vang, cần đàn và dây đàn. Bầu vang là bộ phận tăng âm được làm bằng nửa quả bầu khô. Người Tày thường chọn quả bầu khô to, già và tròn từ mùa trước để làm đàn. Từ khi trồng bầu, với mục đích lấy quả để làm đàn tính, người Tày chăm sóc dây bầu rất chu đáo, thường họ không bón phân gì mà chỉ dùng nước sạch tưới cho bầu. Vì vậy, bầu luôn xanh tốt và ra quả to đúng như ý muốn. Cần đàn được làm bằng gỗ, có một đầu xuyên qua bầu vang, đầu còn lại được uốn cong hình lưỡi liềm gọi là đầu đàn. Một cây đàn tính hát Then thường có ba dây. Theo người dân tộc Tày ở Tây Bắc, ba dây của cây đàn tính tượng trưng cho cha, mẹ và đất nước.

Nghệ nhân truyền dạy hát Then cho thế hệ trẻ.
Nghệ nhân truyền dạy hát Then cho thế hệ trẻ.

Trong hát Then, đồng bào Tày vùng cao Tây Bắc luôn dùng cây đàn tính để tạo ra nhịp điệu cho bài hát, tạo không khí khi sinh hoạt văn hóa văn nghệ. Vì vậy từ lâu cây đàn tính là một nhạc cụ gần gũi, thân thuộc đi cùng các nghệ nhân và các buổi biểu diễn hát Then tại các bản, làng và ngày hội văn hóa các dân tộc tại các vùng. Cây đàn tính đối với đồng bào Tày Tây Bắc không chỉ là một nhạc cụ dùng trong sinh hoạt hát Then mà đã trở thành một vật linh thiêng trong nghi lễ cúng Then của các thầy mo ở bản Tày. Cây đàn được các thầy mo cất giữ và bảo quản rất cẩn thận, chu đáo. Khi trong bản có người đến mời thầy Then đến cúng, thầy Then thắp hương làm lễ xin phép thần linh được mang cây đàn tính cùng các lễ vật để đi làm lễ cúng rồi mới mang cây đàn tính từ trên gác trao cho người mời mang về trước và hẹn ngày lành tháng tốt sẽ đến làm lễ. Như thế, trong nghi lễ Then, việc sử dụng cây đàn tính không phải là sự tùy tiện mà cần có sự cho phép của thần linh và ma tổ mới được.

Khi làm lễ cúng Then, với ý nghĩa tấu lên những lời Then đến Ngọc hoàng và các vị thần tối cao phù hộ cho con người những điều lành, điều may, xua đi những điều xấu, thầy Then vừa hát vừa dùng tay đánh đàn tính để vừa tạo nhịp điệu, vừa như để nói cùng những lời tấu. Người Tày trong các bản thường tổ chức lễ cúng Then rất tramg trọng và bài bản. Nghi lễ Then thường diễn ra từ chiều tối đến cả đêm. Vì vậy, không gian cúng Then mang đậm chất cổ xưa truyền thống và tập hợp được đông đảo người dân tham gia. Ai ai cũng muốn được tham dự nghi lễ Then với không khí thiêng liêng và trang trọng. Người Tày chuẩn bị lễ vật khá công phu, gồm: gà, lợn, xôi, cá nướng, rượu gạo, hương thơm, trầu cau và nhiều lễ vật khác để làm lễ cúng. Thầy Then trong nghi lễ cúng Then là một nhân vật trung tâm của lễ. Với cây đàn tính bên mình, thầy Then tiến hành nghi lễ cúng trời, cúng ma tổ theo lời hát Then. Thời gian hát Then có thể kéo dài hàng giờ đồng hồ. Tiếng đàn tính vang lên, không chỉ đơn thuần là một âm điệu mà chất chứa trong đó biết bao điều được nói bằng âm thanh mà chỉ có người Tày, những người ăn đời ở kiếp với cây đàn tính mới thấu hiểu được. Vì vậy, trong mỗi nghi lễ cúng Then, đồng bào Tày như nhẩm trong lòng mình, như được hòa điệu cùng điệu hát của thầy Then và tiếng trầm bổng của cây đàn tính.

Các nghệ nhân dân gian Tày ở vùng cao Tây Bắc quý cây đàn tính như một vật thiêng trong gia đình mình. Họ gìn giữ từ đời này sang đời khác mà không làm hỏng hay rời bỏ cây đàn. Hơn nữa, để bảo đảm sự linh thiêng trong nghi lễ, các nghệ nhân, thầy Then thờ và bảo quản đàn tính rất chu đáo, cẩn thận. Với họ, chỉ như thế, ý nghĩa của đàn tính mới được gìn giữ và phát triển đến muôn đời.

 Nguyễn Thế Lượng


Ý kiến bạn đọc