Multimedia Đọc Báo in

Ngọt ngào câu ví dặm

19:21, 02/01/2015

Dẫu xa quê hương hàng chục năm nay, nhưng những người con xứ Nghệ vẫn luôn mang theo mình những làn điệu dân ca ví, dặm – “món ăn tinh thần đặc sản”, chất chứa tình cảm, cốt cách tâm hồn người xứ Nghệ…

Tranh thủ những lúc nghỉ trưa rảnh rỗi, các o, các chị ở thôn 4, xã Cư M’gar (Cư M’gar) lại rủ nhau ra nhà văn hóa thôn tập hát dân ca. Từ xa vọng lại, chúng tôi vẫn cảm nhận được những câu hò, câu ví rất đậm “chất Nghệ” của các o về tình cảm lứa đôi: “Người ơi ơ, chứ đã thương thì thương cho chắc mà đã trục trặc thì trục trặc cho luôn, chứ đừng như con thỏ đứng đầu truông, khi vui thì giỡn bóng mà khi buồn thì giỡn trăng”. Những lúc tìm cớ khuyên chồng, hay những giây phút “giận hờn”, các chị lại mượn lời trong bài “Giận mà thương” để tỏ bày tâm sự rằng: “Anh ơi khoan vội (mà) bực mình. Em xin kể lại (mà) phân minh cho anh tỏ tường. Anh cứ nhủ rằng em không thương. Em đo lường thì rất cặn kẽ” …

Chị em thôn 1, xã Cư M’gar (huyện Cư M’gar) tranh thủ giờ nghỉ trưa  tập hát múa ví dặm.
Chị em thôn 1, xã Cư M’gar (huyện Cư M’gar) tranh thủ giờ nghỉ trưa tập hát múa ví dặm.

Vào Dak Lak từ năm 1995, đến nay đã ngót nghét 20 năm lập nghiệp trên mảnh đất Dak Lak, đã quen với gốc cà, gốc tiêu, khí hậu nơi đây, nhưng chị Hồ Thị Thanh vẫn luôn gìn giữ bên mình những câu hát mượt mà, đằm thắm mang âm hưởng dân ca Nghệ Tĩnh. Chị bộc bạch: “Chị sinh ra ở vùng quê nghèo huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, từ nhỏ chị được nghe bà, mẹ hát rất nhiều ca khúc về dân ca Nghệ Tĩnh. Đó là điều rất may mắn đối với bản thân chị; giờ đây ở quê hương thứ 2, chị vẫn không bao giờ quên những điệu ví quê nhà. Với chị, ví dặm là thể loại nhạc sở trường của bản thân, bởi vậy từ lời ru con ở thưở còn nằm nôi, hay khi tham gia bất cứ hội thi văn hóa văn nghệ từ cấp xã đến cấp huyện, chị đều chọn thể loại này. Những câu ví ru con đã thấm sâu vào con người chị ngay từ thưở nhỏ, đó không đơn thuần chỉ là lời ru con ngủ mà còn là những lời giáo huấn về triết lý sống cho chị cũng như các con của mình: “Ơ… con ơi mẹ dặn câu này, chăm lo đèn sách cho tày áo cơm. Làm người đói sạch rách thơm, công danh là nợ, nước non phải đền”. Cách nhà chị Thanh không xa, chúng tôi tìm đến nhà chị Nguyễn Thị Thung, ở lứa tuổi U60, con cháu đề huề, chị vẫn giữ cho mình chất giọng “trọ trẹ” của người con xứ Nghệ, hăng hái tham gia nhóm hát dân ca của thôn. Chị tự nhận mình là người “hát không hay nhưng hay hát”, nên bất cứ phong trào nào chị cũng góp vui. Chị tâm sự, cứ mỗi lần tham gia hát dân ca, lòng chị lại cảm thấy tự hào về làn điệu truyền thống của nơi chôn nhau cắt rốn. Dù không còn trẻ, nhưng hễ được giao vai diễn nào trong các tiểu phẩm mà nhóm tham gia, chị không bao giờ từ chối.

Được biết, năm 2001 thôn 4 đã thành lập nhóm hát dân ca để chị em tham gia. Đến nay, trong nhóm có 10 thành viên chính thức, trong đó có 3 nam, 7 nữ. Việc hình thành nhóm hát dân ca Nghệ Tĩnh trong thời gian qua đã giúp phong trào văn nghệ quần chúng tại thôn phát triển. Đáng chú ý, dựa trên làn điệu ví dặm, các thành viên trong nhóm đã cải biên lời bài hát phù hợp với các hội diễn, hội thi được tổ chức tại địa phương. Chẳng hạn như tại Hội thi phụ nữ tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang do huyện Cư M’gar tổ chức, nhóm chọn chủ đề tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình, mỗi thành viên là một nhà cải biên cho tiểu phẩm tham dự: “Ả (chị) với tui cũng một thời son trẻ. Tình nghĩa xóm làng bè bạn bên nhau. Sớm tối cùng cầu ao biết bao là kỷ niệm… Ả nuôi con tui cũng vì con cháu. Ả năm ni ba sáu tui cũng quá ba mươi”. Những từ ngữ, đại từ nhân xưng rất đỗi gần gũi của những người hàng xóm “tối lửa tắt đèn” có nhau là chất xúc tác để tiểu phẩm dự thi của thôn thêm sinh động.

Rời thôn 4, chúng tôi tìm về thôn 1 - địa bàn có trên 80% là người có quê gốc ở tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh sinh sống. Ở đây, phong trào hát dân ca Nghệ Tĩnh cũng được người dân làng trên xóm dưới hưởng ứng nhiệt tình, tích cực tham gia tập luyện, người nhớ thì nhắc người quên, cứ thế chỉ cần 3 buổi tập, các tiết mục dân ca của các chị dần được hoàn chỉnh hơn. Cũng như thôn 4, nhóm dân ca thôn 1 cũng sử dụng những trích đoạn do người dân tự cải biên, chẳng hạn trích đoạn hát dặm tuyên truyền về sức lan tỏa của phong trào xây dựng nông thôn mới: “Đường lối Đảng vạch ra. Nhân dân ta nhất trí. Mọi người cùng nhất trí. Ý Đảng đúng lòng dân. Nào mở đường dồn thửa nì. Khoan ơi hỡi hò khoan, khoan dô hò khoan”…

Tạm xa những câu hò ví dặm của những người con xứ Nghệ trên mảnh đất Cư M’gar, chúng tôi vẫn canh cánh một nỗi niềm của người dân nơi đây mong ước gìn giữ bản sắc quê hương để thể loại này không chỉ dừng lại ở phong trào quần chúng ở một khu dân cư hay một địa phương mà được nhiều người biết đến, thì các nhóm, các câu lạc bộ cần sự hỗ trợ một phần kinh phí để mua sắm đạo cụ, trang phục để các tiết mục biểu diễn thêm phần đặc sắc và sinh động. Hơn thế nữa, trong bối cảnh dân ca ví dặm vừa được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, vấn đề nhân rộng các mô hình hát ví dặm càng trở nên cần thiết hơn bao giờ. Bởi, đó không chỉ là niềm tự hào riêng của những người con ở dải đất miền Trung nắng gió mà còn là niềm tự hào của toàn thể người dân Việt Nam đối với thể loại nhạc truyền thống này.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.