Cổ tích Nguyên Hương: Thú vị và hấp dẫn
Trước năm 1945, các nhà văn Khái Hưng, Vị Hồ, Nguyễn Huy Tưởng… đã sáng tác truyện cổ tích cho thiếu nhi. Tuy số lượng chưa nhiều nhưng tác phẩm của họ thực sự là những giá trị đặc sắc của văn học thiếu nhi Việt Nam trong buổi đầu hình thành.
Sau năm 1945, hoạt động sáng tác truyện cổ tích mới vẫn được tiếp tục với sự tham gia của các nhà văn: Phạm Hổ, Ngô Quân Miện, Trần Hoài Dương và một số cây bút khác.
Thời gian gần đây, người viết cổ tích cho thiếu nhi xem ra nhiều phần thưa vắng. Thành tựu thể loại không có gì nổi bật, “thua chị, kém em”, nhất là so với “người anh em” là truyện đồng thoại.
Trong bối cảnh ấy, thật bất ngờ, nữ nhà văn Nguyên Hương, chỉ trong một thời gian ngắn, từ cuối năm 2014 đến đầu năm 2015 này, đã xuất bản liền 40 truyện cổ tích, bố trí thành 8 tập lần lượt là: Viên ngọc bùa mê, Bịt mắt bắt kẻ nói dối, Gương thần, Tấm thảm bay, Đôi hài vạn dặm, Chiếc áo tàng hình, Vùng đất bị phù phép và Sự tích cầu vồng (Nhà xuất bản Trẻ).
Truyện "Gương Thần" - một cuốn sách trong bộ truyện cổ tích mới của nhà văn Nguyên Hương - được nhiều trẻ em say mê tìm đọc. Ảnh: Hồng Thủy |
Sự xuất hiện của bộ truyện nói trên có ý nghĩa về nhiều mặt. Nhưng trước hết, đó là một món quà tinh thần, một liên khúc cổ tích nhiều phép màu, sinh động và thú vị mà bất cứ trẻ em nào khi nhận được đều lấy làm thích thú.
Theo tinh thần chung của thể loại, truyện cổ tích của Nguyên Hương hướng vào thể hiện những vấn đề cuộc sống có ý nghĩa giáo dục tuổi thơ về đạo lý làm người. Bằng một giọng văn nhẹ nhàng, dí dỏm, chị kể cho các em nghe về nhiều cuộc đời, nhiều số phận; từ đó, đặt ra cho các em những nhận thức ban đầu về ý nghĩa cuộc sống, khơi gợi khát vọng chiếm lĩnh những giá trị tốt đẹp của cuộc đời.
Cố nhiên, những thông điệp của Nguyên Hương không phải là một cái gì quá ư mới mẻ, khác lạ. Nó vẫn nằm trong mạch nguồn tư tưởng truyền thống, được đặt ra từ trong những sáng tác dân gian, và về sau nhiều người viết cổ tích mới đã kế thừa, phát triển. Nói vậy để thấy, đóng góp của Nguyên Hương về mặt này nằm ở sự tiếp nối, tô đậm những giá trị đạo đức có tính vĩnh hằng. Khái quát lại, đó là Nhân – Lễ - Trí - Tín mà bản thân mỗi cá nhân trong nỗ lực phấn đấu làm người đều cần phải vươn tới, chiếm lĩnh.
Đặc sắc của truyện cổ tích Nguyên Hương, theo tôi, nằm ở nghệ thuật kể chuyện. Phải thừa nhận, chị kể chuyện rất có duyên, chủ động hướng sự chú ý của độc giả vào tác phẩm của mình ngay từ đầu. Do đó, chị đã dụng công sáng tạo ngay từ yếu tố đầu tiên là tên truyện. Rõ ràng, những tên truyện như Công chúa ngủ trong vườn, Bịt mắt bắt kẻ nói dối, Ăn táo trả vàng, Biến nhập biến xuất… đem lại cho người đọc cảm xúc thú vị, kích thích trí tò mò về nội dung câu chuyện.
Hầu hết các sáng tác của Nguyên Hương có mối liên hệ khá trực tiếp với nhiều truyện cổ dân gian Việt Nam và thế giới. Nữ nhà văn đã sử dụng lại rất nhiều hình tượng nhân vật, môtíp, tình huống của truyện kể dân gian. Trên cơ sở đó, chị gia công, chế tác thành những câu chuyện mới theo cách riêng của mình. Lấy ví dụ truyện Ăn táo trả vàng, nhân vật người anh tham lam đã phải trở về nhà tay không, còn người em không những được vàng mà còn lấy được cô gái tốt người, đẹp nết làm vợ. Sự xung đột giữa lòng tham và tính thực thà, sự lên ngôi của lòng tốt vẫn là mạch cảm hứng chủ đạo của câu chuyện. Nhưng thay vì để người anh chết như trong truyện dân gian Cây khế, nữ tác giả Nguyên Hương đã chọn một giải pháp nhẹ nhàng hơn mà vẫn giữ được sức mạnh cho điều răn: người anh được trở về bình yên nhưng sẽ phải sống trong đau khổ dài ngày vì tiếc nuối số vàng đã rơi hết xuống sông, xuống biển…
Hình tượng nhân vật tuổi thơ và cuộc sống của chúng được tác giả đề cập tới trong khá nhiều truyện cổ tích. Điều này cũng đã góp phần làm nên chất thơ, sức lôi cuốn cho nhiều trang văn của Nguyên Hương. Người đọc quả thấy thú vị khi chứng kiến cảnh chia của độc đáo của hai anh em trong Chữ A và chữ E, Ăn táo trả vàng, hay chuyện hoàng tử chọn vợ bằng hình thức nhảy sạp mà kẻ nhảy tệ nhất không ai khác chính là hoàng tử (Thử giày)…
Với những sáng tạo mạnh về chi tiết, nhân vật, lời văn mượt mà, pha trộn ít nhiều chất dí dỏm, những truyện cổ tích của Nguyên Hương thực sự là một giá trị mới mẻ của văn học thiếu nhi Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Lê Nhật Ký
Ý kiến bạn đọc