Niềm vui ngày toàn thắng
Một trong những bài thơ viết về ngày toàn thắng 30-4 xuất hiện sớm nhất là tác phẩm Sài Gòn giải phóng của nhà thơ Sóng Hồng, được viết vào ngày 1-5-1975. Tác giả ca ngợi sức mạnh của quân ta qua các trận đánh thần tốc, các mũi giáp công phối hợp thần kỳ. Và vẫn theo mạch cảm hứng trữ tình – chính trị, tác giả diễn tả niềm hạnh phúc của toàn dân tộc qua hình ảnh ẩn dụ, mang tính khái quát cao:
Quân dân ta ba mươi năm lửa máu
Hôm nay đây, thắng lợi thật huy hoàng
Bao xót xa, cay đắng, mất mát, đau thương
Mùa đại thắng đã đền cho trái chín...
Cũng được ra đời vào ngày đó, bài thơ Toàn thắng về ta của Tố Hữu là khúc tráng ca, diễn tả niềm vui dâng trào vô bờ bến của dân tộc. Sau bao nhiêu năm chiến đấu gian khổ, niềm mong ước đoàn tụ non sông bây giờ mới thành hiện thực, chính vì vậy ai cũng mừng vui trào nước mắt:
Ôi, nỗi mừng dâng mọi nỗi mừng
Trào vui nước mắt cứ rưng rưng
Cả Việt Nam tấn công, cả miền Nam nổi dậy
Dồn dập tim ta, trăm trận thắng tưng bừng…
Nhà thơ đã diễn tả thế tấn công “trúc chẻ ngói tan”, tưng bừng khí thế của đoàn quân chiến thắng trong các chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, giải phóng Huế - Đà Nẵng… và trận cuối cùng kết thúc thắng lợi vào 11 giờ 30 ngày 30-4-1975. Đó là một buổi trưa kỳ diệu, thật đáng ghi nhớ trong lịch sử dân tộc:
Ôi, buổi trưa nay, tuyệt trần nắng đẹp
Bác Hồ ơi! Toàn thắng về ta
Chúng con đến, xanh ngời ánh thép
Thành phố tên Người lộng lẫy cờ hoa…
Theo bước đi thần tốc của đoàn quân giải phóng, đồng chí Lê Đức Thọ đã diễn tả khí thế khẩn trương, náo nức bước vào trận cuối. Dòng người, dòng thời gian gấp gáp và dòng cảm xúc sôi nổi cùng hoà quyện trên cùng một tuyến đường để rồi cùng trào lên trong niềm vui của Trận thắng cuối cùng với những vần thơ tưng bừng, lôi cuốn và hào sảng, say mê:
Cờ đỏ thắm cắm trên dinh Độc Lập
Quần chúng reo hò, niềm vui tràn ngập
Làn sóng người cuồn cuộn mãi không thôi
Anh giải phóng quân trên xe pháo mỉm cười
Tay vẫy đón những bông hoa tươi nhất
Ôi những phút giây mừng đến rơi nước mắt
Suốt đời người chỉ có một hôm nay.
1975: Năm vĩ đại và ngày vĩ đại là tên một bài thơ dài 190 câu của nhà thơ Chế Lan Viên, nói về ngày đoàn viên của dân tộc. Với việc sử dụng điệp từ “là” liên tiếp, tác giả đã làm nổi bật sức mạnh của quân ta trong cuộc Tổng tấn công, sức mạnh ấy hội tụ bởi rất nhiều nhân tố và không có gì ngăn cản được:
Những tháng năm này chói lòa, hóa thân, đột biến
Là rốn bão, là hỏa diệm sơn, động biển
Là cấp số nhân, là tổng số thành
Là sức của trăm ta nhân với triệu mình…
Không chỉ con người mà núi sông cũng thấy mình được hồi sinh sau những năm tháng dài chia cắt, dằng dặc nỗi mong chờ ngày thống nhất; bởi hôm nay chiến thắng đã trong tay, niềm vui đã hiện hữu trước mắt:
(Xem tiếp trang 16)
Ta trẻ như cờ, ta trẻ lắm
Ta reo trời đất cũng reo cùng
Ta no cười nói say đôi mắt
Bát canh ngày hẹn cũng mênh mông.
(Bữa cơm chiều trong dinh Độc Lập – Hữu Thỉnh)
Cảnh thực mà vẫn mộng, thân thuộc mà vẫn ngỡ ngàng bởi hạnh phúc quá lớn lao, hạnh phúc thật mà ngỡ như còn trong mơ ước; ngỡ ngàng bởi đất nước vừa qua cơn bão lửa chiến tranh mà sự sống đã hồi sinh kỳ diệu, trải rộng đất trời:
Tôi lại nhìn, như đôi mắt trẻ thơ
Tổ quốc tôi. Chưa đẹp thế bao giờ
Xanh núi, xanh sông, xanh đồng, xanh biển
Xanh trời, xanh của những giấc mơ…
Ôi Việt Nam ! Yêu suốt một đời
Nay mới được ôm Người trọn vẹn, Người ơi !
(Vui thế, hôm nay… – Tố Hữu)
Giờ phút thiêng liêng này, ai cũng nhớ đến Bác Hồ kính yêu. Dù Người đã đi xa nhưng vẫn thấy như có Bác trong ngày vui đại thắng và dâng lên Người cả một mùa hoa thắng lợi:
Xin dâng lên Bác một mùa hoa
Cả nước, anh em đẹp một nhà
Như khối hoa cương và cẩm thạch
Ngàn năm quanh Bác bản hòa ca…
Trong ngày vui lớn của dân tộc, mỗi người Việt Nam đều góp một tiếng reo vui vào bản khải hoàn ca vĩ đại của toàn dân tộc. Trải qua thời gian, âm hưởng sôi nổi, tưng bừng của bản trường ca đó vẫn ngân nga, vang vọng trong lòng mỗi chúng ta…
Trần Văn Lợi
Ý kiến bạn đọc