Chợ quê mùa lũ
Đến hẹn lại lên, độ giữa tháng Chín âm lịch mùa mưa bão bắt đầu vần vũ trên mảnh đất miền Trung quê tôi. Sao bão, mưa xuống và lũ từ thượng nguồn chảy về từng dòng đục ngầu. Góc chợ quê tiêu điều hòa cùng khung cảnh cây cối, vườn tược ngổn ngang. Phiên chợ quê vì thế cũng bị xáo trộn theo. Việc họp chợ không theo phiên định kỳ mà có thể diễn ra vào bất cứ lúc nào.
Nói việc họp chợ bất ngờ nhưng mọi người vẫn ngầm hiểu rằng, khi lũ có dấu hiệu giảm và mưa ngớt thì chợ bắt đầu họp. Chợ quê mùa lũ vẫn nhộn nhịp tiếng nói cười mua bán, giữ được nét riêng vốn có. Lúc này quãng đường đến chợ bị ngăn cách bởi những con nước hung dữ nên người đi chợ phải chèo ghe, xuồng. Lênh đênh trên ghe, vật vã với những cơn lũ dập dềnh lên xuống, khó khăn lắm, một lúc sau tôi mới có thể tới được chợ. Chợ được họp trên mô đất khô ráo và cao nhất. Người dân bày bán đủ các loại hàng hóa, thực phẩm, hoa quả…
Khi tới chợ dường như ai nấy đều quên đi thiên tai, khó khăn trước mắt. Các bà các mẹ lại đon đả tươi cười mời chào khách gắn bó với công cuộc mưu sinh của mình. Người đi chợ đa phần là dân nghèo. Nhìn trong làn không có gì cao sang hơn ngoài bó rau, vài mớ tôm mớ tép. Thương làm sao cụ già neo đơn bán rau hằng ngày tôi vẫn thấy ở một góc chợ nhỏ, kể cả những lúc mùa lũ như thế này! Hỏi ra mới biết, ở nhà bà còn có đứa cháu côi cút ba mẹ chúng để lại với bà trước khi tới vùng đất mới mưu sinh.
Minh họa: Trà My |
Chợ quê mùa lũ càng thấm hơn tình người quê chân chất vốn dĩ hiền lành bấy lâu nay. Các tiểu thương gia sẵn sàng mua hết rổ rau để bà cụ được về sớm! Hay thoáng thấy những người đi chợ, nhà của họ vừa mới bị lũ tàn phá mạnh nhất họ bỏ vào làn chút cá mọn, vài nải chuối cau… Bởi lâu nay bản chất của người nhà quê vẫn thế, vẫn yêu thương, đùm bọc lấy nhau, chia sẻ mọi khó khăn trong cơn khốn khó, nhất là những khi lũ nguồn ập về. Chợ ngày lũ tuy cũng đầy lam lũ, vất vả, khó khăn nhưng vẫn tràn đầy sự lạc quan bởi nhiều người dân quê vẫn quan niệm “một mặt người là mười mặt của”, không bị lũ cuốn trôi, còn gặp nhau ở chợ, trong xóm, nói cười với nhau là quý lắm rồi.
Chợ quê vốn dĩ không có thách bán, mặc cả, mà dường như họ mua bán trao đổi bằng ánh mắt, cử chỉ thân tình. Mớ rau ngày lũ cũng được bó đầy đặn hơn thường ngày. Cân cá mọn cũng được người bán thêm một vài vốc mà mặt vẫn tươi rói. Dường như dòng nước lũ không đủ sức để làm hư hỏng những bó rau xanh, hoa quả và những đồ vật khác. Màu của rau vẫn xanh mơn mởn, hoa quả vẫn giữ được nguyên màu vừa chín tới mới hái ở trên cây xuống. Bởi các tiểu thương vẫn quan niệm chuyện mua bán làm ăn uy tín lâu năm, không chớp nhoáng ngày một ngày hai mà không cẩn thận.
Đi chợ quê mùa lũ không chỉ để mua hàng hóa, nhu yếu phẩm về nhà mà còn học được vô vàn điều quý giá mà không dễ gì tôi có thể học được trong sách vở. Đó là sự sẻ chia, tấm chân tình, yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Hay đơn giản nghe một vài câu chuyện thường nhật, lời động viên dành cho nhau trong lòng cũng hân hoan, để biết cuộc đời này vẫn tươi đẹp làm sao!
Xa quê, mỗi lần mùa mưa lũ tới, ký ức về chợ mùa lũ vẫn còn in đậm trong trí nhớ của tôi. Tôi nhớ những người dân lao động nghèo lam lũ. Nhớ những gương mặt vẫn chưa hết âu lo, mệt mỏi chống chọi thiên tai. Nhớ tiếng gánh hàng thậm thịch qua những vùng sình lầy…Và bất chợt thấy một nụ cười nào đó, sau vành nón trắng để rồi đượm một chút bâng khuâng…
Cao Văn Quyền
Ý kiến bạn đọc