Multimedia Đọc Báo in

Tiếng đàn khuyết của Nguyễn Anh Đào (Nhà xuất bản Lao Động - 2015)

11:28, 25/10/2015
Khoảng 5 năm trở lại đây, trên Tạp chí Chư Yang Sin bút danh Nguyễn Anh Đào đã khá quen thuộc với những người yêu truyện ngắn trong và ngoài tỉnh.
 
Đào BH gthieu.jpg
Tác giả Nguyễn Anh Đào
Truyện của chị thường đề cập tới  các mối quan hệ giữa vợ - chồng, cha - con, mẹ - con, giữa những người trong gia đình với cộng đồng… Qua đó, Nguyễn Anh Đào cho người đọc thấy nhiều mảnh đời không may mắn, nhiều số phận éo le, nhiều uẩn khúc của lẽ đời, tình đời, khiến ta phải xúc động, thương cảm và không thể không ngẫm ngợi, băn khoăn. Vì thế có người cho rằng: Đọc truyện của Nguyễn Anh Đào bỗng thấy buồn lây… Dẫu vậy, những vấn đề mà Nguyễn Anh Đào đề cập trong tác phẩm là sự thật của cuộc đời, đã hoặc đang xảy ra, người không vô tâm không thể bỏ qua. Và vì vậy, đọc Nguyễn Anh Đào ta càng thấm sâu thêm sự đời, lẽ đời, khiến ta phải ngẫm nghĩ và như vậy cũng có nghĩa là ta có thêm những bài học, hay là sự tỉnh táo trong việc lựa chọn những bước đi của đời mình.
Ảnh bìa tập truyện Tiếng đàn khuyết.
Ảnh bìa tập truyện Tiếng đàn khuyết.

Vẫn là mạch tâm tình và lối kể chuyện có lớp lang, có tình huống như ta đã thấy trên Chư Yang Sin, nhưng đọc Tiếng đàn khuyết (gồm 15 truyện) của Nguyễn Anh Đào cho ta cảm nhận: Chị đang từng bước mở rộng phạm vi đề tài, tấm gương phản chiếu về xã hội trong tác phẩm đang được nới rộng hơn, bên cạnh cái tình đời, tình người vốn có trong tác phẩm của chị, ta thấy cuộc sống cũng đang phức tạp hơn, nhiều bất trắc hơn. Ở Trứng khóc ta thấy cái gian dối không chỉ ở ngoài đời mà đã lấn sâu vào trong mỗi gia đình. Để giữ lại một chút “niềm tin nội bộ”, dẫu biết đó là mong manh, dễ vỡ, người ta vẫn sẵn sàng lừa dối, thủ đoạn với cả những người thân đang “chung một mái nhà”... Gặp người con gái đi lạc trong đêm, gã nam nhi từ chỗ ra tay giúp đỡ (hay là giả vờ giúp đỡ) sau đó đã “biết tận dụng” ngay hoàn cảnh thân cô thế cô của cô gái, nảy ý đồ chiếm đoạt thân xác. Cô gái ban đầu đã chống lại quyết liệt, nhưng phận liễu mềm yếu, biết là không chống nổi đã giả vờ đồng tình, chiêu dụ hắn vào cơn say mồi đến lúc “rên rỉ sung sướng” thì bất ngờ cắn vào hạ bộ khiến gã bất tỉnh (Nhoẻn miệng và cười)… Cách viết có cốt truyện, có tình huống của Nguyễn Anh Đào có thể ai đó cho là cũ, nhưng rõ ràng là nó giúp người đọc dễ theo dõi mạch chuyện, dễ tiếp nhận những thông điệp mà chị muốn gửi gắm; đồng thời nó cũng tạo sự hấp dẫn riêng, bởi những tình huống bất ngờ. Nguyễn Anh Đào cũng là người có khả năng dựng chuyện, khai thác tâm lý nhân vật khá tốt. Ngôn ngữ của chị không cầu kỳ nhưng tinh tế phù hợp với đặc điểm của nhân vật và từng trạng huống tâm lý, tình cảm. Chỉ với chiếc ví người chồng bỏ quên trên bàn khi đi làm, người vợ tình cờ trông thấy khi lau bàn, trong đó  có hai cái “áo mưa”, nhưng tác giả đã khéo léo dựng lên được một câu chuyện rất có hồn cốt về tình yêu, tình vợ chồng, tâm lý, cách ứng xử trong đời (Chiếc ví bỏ quên)…           

Sau Ngày em làm người lớn (NXB Kim Đồng – 2007), Chỉ cần em biết khóc (NXB Văn hóa Văn nghệ - 2012), đây là tập truyện thứ ba của Nguyễn Anh Đào – một tác giả trẻ, thuộc thế hệ 8X, ở thị xã Buôn Hồ. Tập truyện được NXB Lao Động đầu tư toàn bộ kinh phí in ấn (1500 bản) và bao tiêu phát hành, tác giả được trả nhuận bút hẳn hoi (không như hầu hết nhà văn hiện nay phải tự bỏ kinh phí tự in, tự phát hành), cho thấy phần nào tính hấp dẫn của tập truyện và những thành công bước đầu của cây bút Nguyễn Anh Đào. Xin chúc mừng tác giả và trân trọng giới thiệu Tiếng đàn khuyết cùng bạn đọc.

                                                                                                                                                                                           Đặng Bá Tiến   


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.