Multimedia Đọc Báo in

Khói chiều ai đốt mà cay mắt mình...

17:46, 26/10/2015
Có những buổi chiều miên man trôi trong tôi với mùi khói bay lên từ đâu đó. Ngút ngát một niềm yêu phủ lấy tôi, với miền khói phủ từ những đợt đốt rạ đồng, hay khói un lúa lép trong ngõ nhà ai cuối mùa gặt. Buâng khuâng tự dẫn mình đi rồi tự dẫn mình về, để mắt cay xè như khói đang xông vào tận mặt. Chút lòng quê ấy, đâu phải ai cũng có, và đâu phải ai cũng hiểu...

Tôi thương rất đỗi là làn khói bếp từng chập choạng tối bay lên từ căn bếp nhỏ nhà mình. Bởi cho đến bây giờ mẹ vẫn nấu bằng bếp củi. Sau một ngày còng lưng ngoài đồng ngoài ruộng, buổi tối của mẹ bắt đầu với việc nhóm bếp, chuẩn bị cho bữa ăn cuối ngày cho cả gia đình. Mùa nắng cũng như ngày mưa, mẹ giữ ấm cho gia đình bắt đầu từ căn bếp nhỏ, từ làn khói bếp cuối chiều ấy. Từ ngày nhỏ, tôi có thói quen khi mẹ nấu cơm chiều, một mình tôi chạy ra ngoài đồng trống, nhìn về nóc bếp nhà. Cái cảm giác từng làn khói nhỏ chui qua mái tranh, chui qua từng ngọn tre để hòa vào sương chiều và mưa gió làm tôi nhớ mãi đến bây giờ. Để rồi như một quán tính, mỗi lần đi đâu xa, bắt gặp làn khói bếp chiều bay lên từ một ngôi nhà làng quê nào đó, tôi như ngẩn người, đứng lại rất lâu.

Minh họa: Trà My
Minh họa: Trà My

Khói níu chân tôi lâu không kém là những vụ đốt rạ đồng chiều. Mùa gặt đã xong, khi rơm đã được mang về nhà hoặc đốt tại ruộng, những gốc rạ vẫn còn trơ lại như luyến tiếc một mùa dài. Rồi đến lúc cũng phải đốt chúng, để cày xới mặt ruộng lên nuôi dưỡng mùa lúa sau. Những người nông dân thường chọn lúc chiều chạng vạng để đốt, khi người và trâu bò đã lững thững ra về. Cái cảm giác khói bay nghi ngút và chi chít trên mặt ruộng trống khi bóng tối màn đêm dần tràn về rất lạ nhưng lại rất cuốn hút với tôi. Không kín gió như ngọn khói bếp nhà tôi, khói đốt rạ đồng chiều lên thấp và tản ra rất nhanh theo từng đợt gió. Nhưng hợp cả nhiều đám ruộng lại, khói vẫn xông vào mũi người đi đường qua lại rất nhiều. Sống mũi tôi biết bao lần cay cay khi đứng dưới làn gió mang đầy hơi khói ấy. Mũi cay, nhưng lòng sao thấy bình yên rất đỗi.

Đâu đó trên mặt báo hay cuộc trà dư tửu hậu mà tôi nghe được, lâu lâu người ta đòi phạt những người đốt rơm đốt rạ trên những đám ruộng gần đường giao thông chính, nhất là quốc lộ. Những kẻ ấy bảo rằng ảnh hưởng đến tầm nhìn ôtô, dễ gây ra tai nạn, cần phải có chế tài xử phạt. Tôi cho đó là một sự nhẫn tâm và mất gốc. Ai trong chúng ta cũng có gốc gác xa xưa cha mẹ ông bà làm nông, bám lấy cây lúa vồng khoai để nuôi con cháu nên người. Tôn trọng từng mảnh đất, từng tập tục quê hương chính là biểu hiện của lòng tôn kính tiền nhân, tôn kính hạt lúa củ khoai nuôi bao đời người nên vóc nên hình. Chứ không phải vừa mới lên đời giày đẹp áo vét xe ôtô lại đòi mang cha ông mình ra xử phạt, đem cánh đồng quê và những gì tốt đẹp cùng nó phá hủy đi. Mà, theo quy luật đào thải, những ai không tôn trọng quá khứ, không hiếu kính với quê cha gốc gác, kẻ ấy sẽ chẳng đi tới đâu, càng không có lối để quay về...

Lòng rưng rưng đi sâu vào đêm, vọng về những đống lúa lép mà ba mẹ đốt nơi đầu ngõ lúc nhà còn làm ruộng. Khói un lúa lép còn cay hơn cả khói bếp và khói đốt rạ. Bởi nó ngun ngún mà cháy chứ không quật lên thành ngọn lửa được. Un nó cũng là một nghệ thuật rất công phu của người nông dân xưa và nay. Đống lúa lép được un trước ngõ nhà cuối mùa gặt là một thông báo bất thành văn tự của gia đình đó về một vụ lúa được hay mất mùa. Lúa lép ít, cháy nhanh hết thì nhà ấy đã có một mùa kha khá để gia đình còn có chút vui ngày giáp hạt. Nhưng nếu đống lép ấy cứ ngun ngún từ đêm đến gần sáng hôm sau vẫn còn tỏa khói trên đường làng thì xem như cái đói đang vờn quanh bếp nhà ấy. Nghĩ thế mà tôi thương, tôi quý từng đống un lúa lép. Cho đến lúc nhà không còn làm ruộng nữa, cuối mùa gặt, mỗi tối đi đâu về, tôi vẫn không quên dùng tất cả các giác quan để hướng về từng làn khói un lúa lép bay lên quyện với hương cau, hương rơm rạ phơi trên đường làng.

Khói vương vào hồn tôi từ thuở bé đến giờ như một phần làng quê, một phần cuộc sống và có lẽ sẽ theo tôi trên mọi nẻo đường đời. Bởi trong làn khói ấy, tôi mường tượng ra dáng cuốc đất hay gánh lúa đầy cơ cực của ba mẹ. Cũng trong mùi khói cay xè mắt ấy, tôi nhớ về mái nhà tranh ấp ủ bao ước mơ thời bé dại. Và, tôi tin, nương theo từng làn khói bếp, giữ từng hơi khói un lúa lép trong mình, những đứa trẻ quê nghèo như tôi xưa sẽ trưởng thành, không dễ vấp ngã và càng không mất đi nguồn cội ngay trên quê cha đất tổ của mình...

Nguyễn Thành Giang

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Thư kêu gọi ủng hộ nhân dân các tỉnh phía Bắc khắc phục hậu quả sau cơn bão số 3
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk vừa có Thư kêu gọi toàn thể Nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các tổ chức trong và ngoài tỉnh đóng góp, ủng hộ, chia sẻ với nhân dân các tỉnh, thành phố bị thiệt hại do bão, lũ gây ra.