Tạp chí Chư Yang Sin: Nơi phát hiện, giới thiệu những cây bút mới
Tạp chí Chư Yang Sin - tiếng nói của đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh Đắk Lắk - từ khi số đầu tiên ra mắt bạn đọc cách đây 25 năm đến nay đã xuất bản được 278 số. 25 năm – quãng thời gian tương đối dài, đủ để một mầm non trở thành cây lớn, đủ để một cây bút trẻ trưởng thành trong sáng tác.
Điểm lại nhiều gương mặt hội viên thuộc Chi hội Văn học (Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh) mới kết nạp những năm gần đây thì đa số đều là những tác giả đã từng tham gia các trại sáng tác văn học thiếu nhi do Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh tổ chức và các tác phẩm đầu tay được giới thiệu trên Tạp chí Chư Yang Sin.
Có thể nói, Tạp chí Chư Yang Sin bên cạnh nhiệm vụ chính trị là cơ quan ngôn luận của Hội Văn học – Nghệ thuật Đắk Lắk, là nơi giới thiệu những sáng tác, nghiên cứu, phê bình của hội viên... còn là nơi khơi gợi tiềm năng sáng tạo của những cây bút mới trong tỉnh thông qua việc hướng dẫn, biên tập, giới thiệu bài trên Tạp chí. Có nhiều tác giả khi lần đầu tiên gửi bài cộng tác với Tạp chí đã rất rụt rè, e ngại, nhưng được Ban Biên tập tận tình trao đổi, sửa chữa từng câu chữ và dìu dắt, động viên nên tiếp tục phát huy niềm đam mê văn chương trong những tác phẩm mới với những tiến bộ rõ rệt. Dù có còn đó những hồn nhiên trong cách cảm, cách sử dụng câu chữ, những “xanh non” trong cách thể hiện nhưng cũng không ít những tác phẩm đầu tay của các cây bút trẻ đã có ý thức giữ gìn các giá trị truyền thống, có sự chững chạc trong tạo tứ, lập ngôn. Bởi thế, đôi lúc có những bài viết chưa đạt như mong mỏi của độc giả nhưng bên cạnh đó cũng có những bài viết đã thể hiện được năng khiếu sáng tác văn – thơ ở các tác giả trẻ từ thuở mới vào nghề. Nhiều gương mặt, cây bút trẻ mới từ việc còn bỡ ngỡ giữa việc học văn trong nhà trường với việc sáng tác văn chương và bước đầu làm quen với sáng tác thơ – văn, nay đã trở thành những cộng tác viên thường xuyên của Tạp chí, của báo chí Trung ương và địa phương. Khá nhiều cây bút trẻ của Đắk Lắk đã được bạn bè trong giới văn nghệ sĩ trên cả nước biết đến, chính thức bước vào con đường văn chương với nhiều hứa hẹn. Đặc biệt là sự xuất hiện của khá nhiều các tác giả trẻ người dân tộc thiểu số, có thể kể đến như: Ayun Ánh Hồng, H’Siêu Byă, H’Xíu Hmôk, H’Wê Ra Niê, H’Phi La Niê, Mã Thị Vân Anh, H’Trem Knul… Trong đó có những tác giả đã được kết nạp vào Hội Văn học - Nghệ thuật Đắk Lắk và được tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành Hội.
Một số ấn phẩm Tạp chí Chư Yang Sin. |
Bên cạnh đó trên Tạp chí Chư Yang Sin còn dành riêng một số trang nhất định cho chuyên mục Trang thơ câu lạc bộ (CLB). Đây cũng là “mảnh đất” giới thiệu các tác phẩm của những gương mặt mới là thành viên CLB thơ tại các huyện, thị xã. Nhiều CLB có thành viên cộng tác thường xuyên như: CLB Thơ Đam San, CLB Thơ Buôn Hồ, CLB Thơ Cư Kuin, CLB Thơ Hoa Đời (Krông Ana), CLB Thơ liên xã, trị trấn Ea Kar, CLB Thơ Hương Xuân... Qua đó đã tạo nên một phong trào sáng tác rộng khắp, tạo ra một sân chơi lớn cho những người yêu thơ, rồi từng bước làm thơ. Ở một mức độ nào đó, tại Trang thơ CLB có nhiều bài thơ khá, hình ảnh đẹp, câu thơ hay, phản ánh nhiều cung bậc cảm xúc, những triết lý về cuộc sống. Tuy các tác giả làm ở nhiều ngành nghề khác nhau: giáo viên, bác sĩ, công chức, cán bộ hưu trí, doanh nhân, lao động tự do... và mỗi người có một cách viết, cách nhìn cuộc đời riêng, nhưng hầu hết các tác giả đều có những trăn trở, suy ngẫm về thời cuộc, về con người, về mảnh đất Tây Nguyên mang đậm những dấu ấn văn hóa đặc sắc.
Ông Lê Khôi Nguyên, Chủ tịch Hội Văn học – Nghệ thuật Đắk Lắk, Quyền Tổng Biên tập Tạp chí Chư Yang Sin cho biết: Trong những năm qua, Tạp chí Chư Yang Sin không ngừng được nâng cao về chất lượng cả về nội dung lẫn hình thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mình. Ngoài việc tổ chức xuất bản Tạp chí theo định kỳ hằng tháng, Tòa soạn Tạp chí còn làm công tác tuyển chọn các tuyển tập thơ, văn, nhiếp ảnh, mỹ thuật, âm nhạc... của hội viên, các tập sách của các trại sáng tác văn – thơ thiếu nhi Đắk Lắk. Đặc biệt là làm công tác tham mưu và chịu trách nhiệm tổ chức các lớp bồi dưỡng văn – thơ cho thanh thiếu nhi nhằm khơi dậy niềm đam mê sáng tạo nghệ thuật, phát hiện, bồi dưỡng thế hệ trẻ để có đội ngũ kế cận, đưa nghệ thuật vào cuộc sống, phục vụ cuộc sống. Có thể khẳng định, trong suốt hành trình 25 năm, Tạp chí Chư Yang Sin đã góp phần phát hiện và giới thiệu những tác giả mới, tác giả trẻ, từ đó các cây bút này dần trưởng thành, có chỗ đứng trong dòng chảy chung của văn học nghệ thuật nước nhà nhưng vẫn mang được những dấu ấn riêng của mình...
Lan Anh
Ý kiến bạn đọc