Giữ gìn, phát huy giá trị Không gian văn hóa cồng chiêng: Phục dựng lại môi trường diễn tấu cồng chiêng là yếu tố quan trọng nhất
Sau khi Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại vào ngày 15-11-2005, tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản này, nhưng trên thực tế, kết quả chưa được như mong muốn. Đắk Lắk Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với NSƯT VŨ LÂN xung quanh vấn đề này.
NSƯT Vũ Lân (bìa phải) trao đổi với các nghệ nhân về vấn đề truyền dạy chỉnh chiêng. |
* Ông có thể đánh giá khái quát về tình hình, số lượng nghệ nhân biết chỉnh chiêng trên địa bàn tỉnh?
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, các nghệ nhân am hiểu về cồng chiêng không còn nhiều, đặc biệt là nghệ nhân biết đánh chiêng và truyền dạy chỉnh chiêng. Trong đó, nghệ nhân biết chỉnh chiêng còn lại rất ít, không thể tính theo đơn vị buôn, xã mà phải tính theo huyện. Theo tôi được biết, ở huyện Lắk cách đây chừng 7-8 năm về trước có 2 nghệ nhân biết chỉnh chiêng người Êđê và M’nông nhưng hiện nay không còn nghệ nhân nào biết chỉnh chiêng. Hay ở huyện Ea H’leo – vùng giao thoa văn hóa giữa người Êđê và Gia Rai, nơi sử dụng bộ chiêng Aráp của người Gia Rai nhưng cả huyện không ai biết chỉnh loại chiêng này. Mỗi khi muốn chỉnh chiêng đều phải sang tỉnh Gia Lai nhờ người giúp và khá tốn kém chi phí. Vì vậy, cùng với các hoạt động khác thì việc truyền dạy kỹ thuật chỉnh chiêng là một trong những biện pháp cần thiết và cấp bách để gìn giữ, phát huy giá trị của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
* Số lượng các bộ cồng chiêng ở buôn làng đang giảm dần, vậy cần có sự đầu tư như thế nào để giữ gìn di sản Không gian văn hóa cồng chiêng?
Việc đầu tư để có được những bộ cồng chiêng, theo tôi không phải là vấn đề lớn nhất. Chỉ cần cả buôn còn một bộ chiêng có khi cũng là đủ. Bởi vì, ngày xưa toàn bộ các lễ nghi, tín ngưỡng đều thực hiện tại gia đình nên mỗi hộ cần phải có một bộ chiêng. Nhưng hiện nay, những lễ nghi, tín ngưỡng cho từng gia đình giảm nhiều, thậm chí không còn nữa. Vậy nên, việc phục dựng lại các lễ nghi của cộng đồng buôn, liên buôn, liên gia thì không cần số lượng cồng chiêng nhiều như xưa, mà quan trọng là gìn giữ được âm sắc cồng chiêng, kỹ thuật chỉnh chiêng và những nghi lễ, nghi thức của tín ngưỡng dân gian. Điều này quan trọng hơn việc đầu tư mua nhiều bộ cồng chiêng để trang bị cho từng gia đình.
* Vậy theo ông, điều gì là quan trọng nhất trong việc bảo tồn và phát huy giá trị Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên?
Để bảo tồn và phát huy giá trị Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 63/2012 về “Bảo tồn, phát huy di sản Không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2012 – 2015”. Ngoài những việc cụ thể liên quan mang tính vật chất, kỹ thuật thì một điều hết sức quan trọng mà gần đây chúng ta chưa chú trọng đó là việc phục dựng lại môi trường, không gian diễn tấu cồng chiêng, vì đây là nền tảng đầu tiên tạo nên giá trị của di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Nếu những lễ hội mất dần đi, những điểm sinh hoạt văn hóa dân gian của buôn làng cứ teo tóp dần đi thì rõ ràng tiếng chiêng không cất lên được. Một khi tiếng chiêng không cất lên được thì làm gì còn thể hiện được những giá trị văn hóa của nó kể cả vấn đề lễ nghi, phong tục, tập quán… Do vậy, việc phục dựng lại các lễ hội, môi trường diễn tấu cồng chiêng trong cộng đồng buôn làng các dân tộc Tây Nguyên là yếu tố cần thiết đầu tiên. Bên cạnh đó, chính quyền các cấp quan tâm, tạo điều kiện, định hướng để bà con các dân tộc bản địa phát huy vai trò chủ thể của mình trong việc bảo tồn, phát huy giá trị Không gian văn hóa cồng chiêng.
* Trân trọng cảm ơn ông!
Nguyễn Xuân (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc