Multimedia Đọc Báo in

Đâu rồi tiếng gọi đò xưa

09:51, 28/12/2016
Mỗi lần về thăm quê, đi qua con sông trước làng, tôi đều cảm thấy như mất đi một điều gì thân thiết. Vẫn bến nước đầu làng ngày nhỏ tôi cùng đám bạn hay chạy ra tắm mỗi trưa hè. Vẫn con sông quê nước xanh biêng biếc giữa đôi bờ hàng tre rợp bóng quanh năm. Chỉ con đò cắm sào nằm đợi và bến đò ngày xưa bây giờ không còn nữa…

Nhiều năm đi xa, khi trở lại tôi thấy quê mình đổi thay nhiều lắm. Con đường làng quanh co cát đất hay lầy lội mỗi khi mùa mưa về nay đã được bê tông hóa rộng rãi. Những mái tranh lụp xụp trong khói chiều ngày xưa giờ đã được thay bằng mái ngói đỏ tươi. Nhà cửa mọc nhiều thêm, chỗ bến đò ngày trước bây giờ đã được thay bằng cây cầu mới. Thấy vui vì cuộc sống quê mình ngày càng phát triển, không còn thiếu thốn như một thuở khó nghèo. Nhưng lòng vẫn thấy tiếc một chút gì đã mất. Không còn con đường đất mịn nép dưới bóng hàng tre. Không còn cả tiếng gọi đò chiều chiều thao thiết…

Minh họa: Trà My
Minh họa: Trà My

Ngày nhỏ, nhà tôi ở gần bến sông, nơi mọi thời điểm trong ngày đều có thể nghe tiếng gọi đò rõ mồn một. Nhớ sao những buổi mặt trời lên đứng ngọn tre, những chiều nắng trải dịu dàng hai bên bãi bờ mướt xanh ngô lúa, tiếng gọi đò da diết như lấp loáng cả dòng nước sông êm trôi, nghe yên bình đồng quê làng mạc. “Đò ơi ! Đò ơi !”, tiếng gọi đò của một thời tuổi thơ xa ngái, thân thương như tiếng gọi quê nhà. Làm sao quên được những thanh âm quen thuộc của xóm làng, tiếng gà gáy tinh mơ, tiếng chó sủa trong những đêm thanh vắng, tiếng ếch nhái ngoài đồng giữa khuya vọng về. Và cả những tiếng gọi đò man mác khúc sông quê, tha thiết một miền nhớ thương sâu thẳm…

Trong tiếng gọi “đò ơi” có bao nhiêu là thương yêu gói ghém. Cũng một khúc sông quê, cũng những chuyến đò ngày ngày đôi bờ qua lại, cũng những tiếng “đò ơi ! đò ơi !’ đơn sơ ấy thôi, mà sao nghe nặng lòng người đi xa đến thế. Ngày nhỏ vẫn thường ngồi ở đầu ngõ ngóng mẹ, nghe một tiếng “đò ơi” thân quen từ bên kia sông mẹ đi chợ về, chiếc bánh đa, cây kẹo gừng tuổi thơ háo hức nghe thương biết bao nhiêu. Trong tiếng gọi đò có dáng hình của mẹ. Mẹ tảo tần vất vả quanh năm nên tiếng “đò ơi” có khi trong khi đục. Dáng mẹ gầy liêu xiêu ruộng đồng sương gió, tiếng “đò ơi” chênh chao một quãng sông mênh mông con nước dập duềnh…

Cuộc sống rồi cũng phải đổi thay. Tuổi thơ và kỷ niệm lùi dần vào dĩ vãng. Không còn con đò cắm sào dưới bến ngày xưa, chỗ bến cũ bây giờ đã mọc lên cây cầu khang trang, vững chắc. Tiếng gọi đò nôn nao một thuở nay cũng mất hút giữa miền ký ức mông lung. Về thăm quê nghe bao nhiêu tâm trạng. Có mừng vui, có nhớ, bùi ngùi. Chợt nhớ đến bốn câu thơ của Tú Xương: Sông kia rày đã nên đồng/Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai/Vẳng nghe tiếng ếch bên tai/Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò (Sông lấp)… Đâu rồi tiếng gọi đò xưa…

Phạm Tuấn Vũ


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.