Multimedia Đọc Báo in

Yêu lắm đôi tay mẹ

09:52, 28/12/2016
Con đã từng bị cuốn vào những thứ ảo ảnh màu mè, hào nhoáng của cuộc sống hiện đại nơi đây mà vô tình quên đi những điều giản dị nhất gắn bó mật thiết với một thời tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm của mình. Để rồi, hôm nay đây, khi gió lạnh ùa về, nằm co ro bên ô cửa sổ ký túc xá, bất chợt con da diết nhớ hơi ấm bàn tay mẹ. Có một thứ động lực nào đó thôi thúc con trở dậy trong đêm để viết ra những dòng mộc mạc này…

Mỗi lần ngắm đôi tay mẹ, con lại thấy nghẹn lòng khó tả. Ngày xưa, khi gia đình ta còn sung túc, tay mẹ mềm mại và tươi hồng như những cánh sen. Làm sao có thể quên được những trưa nắng nóng, được tay mẹ tắm rửa cọ kỳ, cảm giác mát mẻ thấm đều trên da thịt cứ ngỡ như vừa mới hôm qua. Lại nhớ những đêm trở gió, bên ngọn đèn dầu leo lét, đôi tay mẹ khéo léo luồn từng sợi len nhỏ đan khăn chuẩn bị cho mùa đông giá lạnh đang đến gần. Ngày ấy, cuộc sống trôi qua bình lặng và ấm êm quá đỗi…

Minh họa: Trà My
Minh họa: Trà My

Đôi tay mẹ bận rộn ngày đêm không ngừng nghỉ. Buổi sáng, khi sương còn giăng giăng mờ ảo, mẹ dậy sớm rang cơm cho đàn con nhỏ rồi lật đật gánh gồng đi chợ. Trưa về, mẹ vội vàng đi gánh nước, nấu nướng rồi dọn dẹp, giặt giũ. Chiều chiều, mẹ tất tả ra sông thả vó. Tối đến, mẹ ngồi dưới trăng tranh thủ đan lát làm thêm. Mỗi ngày, mẹ thường ngủ rất ít. Có nhiều hôm, ngay cả trong giấc mơ, tay mẹ cũng khuơ khuơ như đang đan nốt chiếc giỏ còn dang dở.

Người ta vẫn thường nói, đường chỉ tay là biểu tượng cho số phận con người. Nếu đúng như vậy, thì có lẽ mẹ của con là một trong những người phụ nữ khổ cực nhất. Tay mẹ chằng chịt, ngổn ngang trăm đường nẻ nứt. Những vết nẻ nứt do những lần lưỡi liềm cứa phải, do những chiều mò mẫm ven dòng sông nước bẩn, do sự vất vả và do thời gian. Mỗi một đường nứt là một mùa dài mẹ âm thầm chịu đựng cơ cực, gian nan. Đếm làm sao cho hết được những sự hy sinh thầm lặng, những mùa sương nắng truân chuyên hiện hình trên bàn tay mẹ?

Dù có in hằng biết bao đường nứt nẻ, đôi tay mẹ vẫn luôn mang lại cho con cảm giác ấm áp và thân thương nhất. Nhớ một lần vấp ngã trên con đường chinh phục ước mơ tuổi mười tám, lại như hồi còn bé dại, con chạy ùa về sà vào lòng mẹ khóc òa nức nở. Bàn tay mẹ dịu dàng âu yếm, vuốt ve như xoa dịu những thương tổn đầu đời. Nhớ cái ngày đầu tiên con xa nhà, mẹ đã thức trắng đêm loay hoay chuẩn bị cẩn thận mọi đồ đạc vào chiếc ba lô con cóc cho con. Rồi sáng sớm khi con lên đường, mẹ nắm chặt tay con bịn rịn. Dù mẹ nghẹn ngào không nói nên lời nhưng sự sần sùi, thô ráp của bàn tay mẹ cọ xát lên tay con như đang nhắc con hãy cố gắng vượt qua tất cả để chuyên tâm học tập.

Hai năm sống ở thành phố rồi mà con vẫn cảm thấy nơi đây xa lạ quá. Khi ốm đau không được ăn cháo mẹ nấu. Khi đêm trở gió không được mẹ đắp chăn. Khi vấp ngã không được mẹ vỗ về. Khi áo rách không được mẹ khâu vá. Thiếu vắng bàn tay chăm sóc của mẹ, con trở nên vụng về và trống trải vô cùng. Hơn bao giờ hết, lúc này đây, con muốn được về bên mẹ, muốn được quây quần cùng mẹ và em bên mâm cơm nhỏ đầm ấm để được mẹ tận tay gắp thức ăn vào bát rồi dặn con ăn nhiều kẻo đến lúc ra thành phố không có những món ăn dân dã mẹ nấu. Chợt khóe mắt con cay cay…

Đôi tay mẹ đã chống chèo, lo toan tất cả mọi gánh nặng để dẫn dắt chúng con bước qua những năm tháng đói nghèo, khắc nghiệt. Đôi tay ấy dù có gầy gò, nứt nẻ và nhăn nheo thế nào đi chăng nữa vẫn là đôi tay đẹp nhất. Con yêu đôi tay của mẹ nhiều lắm!

Phan Đức Lộc


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.