Multimedia Đọc Báo in

"Mẹ là nước chứa chan"

07:16, 06/03/2016
Có lẽ người Việt Nam ai cũng thuộc nằm lòng câu ca dao: "Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra". Công cha to lớn được ví như ngọn núi Thái Sơn sừng sững giữa trời xanh, một minh chứng cho sức vóc chở che, tình thương cao rộng. Nghĩa mẹ hiền hòa như dòng nước từ nguồn xa chan chứa chảy về ngày đêm không dứt.
 
Quả vậy, tình mẹ bao la, xuyên thấm chỉ có thể ví với sự mềm mại của nước, chan chứa bất tận không ngừng nghỉ. Viết về mẹ, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã có một ca khúc bất tử nâng hình tượng người mẹ thành huyền thoại của cuộc sống này: Huyền thoại mẹ.

Ca khúc bắt đầu bằng hình ảnh dưới ngọn đèn chong trong những đêm bồi hồi tưởng niệm, để rồi từ đó, qua lớp lớp thời gian miên man, người mẹ hiện ra thiêng liêng và rực sáng. Đó là người mẹ của đất nước những năm bom đạn đau thương, vượt bao gian khổ, hy sinh, sẵn sàng che chở cho đàn con đi làm cách mạng. Mẹ hiện lên trong màu sắc lung linh, huyền nhiệm. Mẹ như vị thần hộ mệnh cho những đứa con ngoan sau bao ngày đêm chiến đấu gian nan giờ nằm ngủ say bên vòng tay chở che của mẹ: "Mẹ về đứng dưới mưa/Che đàn con nằm ngủ/Canh từng bước chân thù/Mẹ ngồi dưới cơn mưa".

Hiện thực và huyền thoại, đời thường và ảo diệu, mẹ thấp thoáng hiện về trong "từng câu chuyện ngày xưa" thiết tha vậy đó. Có nơi nào như đất nước Việt Nam ta, người mẹ phải gánh chịu tầng tầng gian khổ? Lo cho con từng cái ăn cái mặc, lo cho con trong sự phấp phỏng của chiến tranh ly loạn, lo cho con ngay cả trong bước đường hành quân vẫn tóc mẹ chở che giữa bốn bề mưa gió: "Mẹ nhẹ nhàng đưa lối/ Tiễn con qua núi đồi/ Mẹ chìm trong đêm tối/Gió mưa tóc che lối con đi".

Từ "che đàn con nằm ngủ" giữa bốn bề bóng giặc đến "tiễn con qua núi đồi" làm nhiệm vụ nước non, người mẹ còn "xóa sạch vết con về" để giữ bí mật. Mẹ trở thành bà tiên đi làm cách mạng, che chở cho các con qua muôn lớp bom đạn kẻ thù, để rồi sau mỗi lần gian nan vất vả ấy, mẹ lại chìm trong đêm u tối, mẹ lại ngồi dưới cơn mưa đời lạnh lẽo với biết bao lo toan, nơm nớp trước họng súng quân thù: "Mẹ về dưới cơn mưa/Che từng căn nhà nhỏ/Xóa sạch vết con về/Mẹ ngồi dưới cơn mưa".

Kết thúc nhạc phẩm Huyền thoại mẹ, Trịnh Công Sơn khái quát tình thương bao la của mẹ bằng hình tượng khá quen thuộc trong ca dao: "Mẹ là nước chứa chan!". Dòng "nước chứa chan" ấy đã cuốn phăng tất cả phiền muộn trong cuộc đời con để đem lại mùa xuân trong lành, êm ấm mãi, dù đời mẹ vẫn "chìm dưới gian nan" giữa cuộc sống này. Có lẽ vì vậy mà từ khi ra đời đến nay, ca khúc Huyền thoại mẹ được rất nhiều người thuộc và hát, hát bằng cảm xúc sâu thẳm trái tim, hát qua nước mắt của lòng biết ơn sâu nặng người mẹ trong đời.

                                                                                                                          Lê Thành Văn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.