Multimedia Đọc Báo in

LIÊN HOAN THANH NIÊN HÁT DÂN CA VÀ DIễN TấU NHạC Cụ DÂN TộC

Những tín hiệu vui và đôi điều tiếc nuối

06:17, 22/10/2016

Hơn 10 năm rồi, Hội Liên hiệp thanh niên (LHTN) tỉnh mới khơi lại hoạt động “Liên hoan thanh niên hát dân ca và diễn tấu nhạc cụ dân tộc”, nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập.

Thật thú vị khi nghe lớp trẻ đánh ching chêng, dẫu có vụng về lỡ nhịp đôi chút, thậm chí vẫn cứ chơi hồn nhiên khi ching lạc giọng, đánh mãi chỉ một câu nhạc. Nghĩa là vẫn còn có dịp được cầm lấy chiếc ching hòa nhịp với cả dàn bởi ở buôn, bon, kon, plei bây giờ, nào mấy khi có dịp để đánh ching?

Những tín hiệu vui

Tham gia Liên hoan có 16 đội đến từ 15 huyện, thành phố và Trường Đại học Tây Nguyên với gần 100 tiết mục. Thật vui khi nghe những bài dân ca 3 miền Bắc Trung Nam, dân ca Tây Nguyên, Việt Bắc, đàn t’rưng, ching kram, đinh pah với tính tẩu, kèn đinh năm, kèn lá, sáo trúc người Kinh, sáo Mông, sáo đinh buốt Êđê…, thậm chí là cả dân ca Lào lẫn khèn bè Mông, đua nhau cất tiếng. Tuyệt nhất là có những giọng ca thật truyền cảm, luyến láy mềm mại khiến cho dân ca cứ trong veo mà “đi” vào tâm hồn người nghe (tiết mục song ca nam nữ của huyện Lắk, dân ca Khmer của Krông Ana, điệu “Ru em” của Buôn Đôn, “Ru em mùa suốt lúa” của TP. Buôn Ma Thuột, acapella (hát không nhạc đệm) bài “Đi cấy” của tốp nữ M’Đrắk …).

Các tiết mục biểu diễn  tại  Liên hoan.
Các tiết mục biểu diễn tại Liên hoan.

Những nhóm tạo được hiệu quả như tốp nhạc Đại học Tây Nguyên với “Cánh chim báo tin vui”, TP. Buôn Ma Thuột với “Bóng cây knia”, hòa tấu gong peh của Lắk, tốp đàn tính của Krông Pắc, tốp Mkăm prok của Krông Năng, tốp những nhạc cụ Lào Buôn Đôn (cây đàn ghi ta cải tiến, đàn thuyền gỗ, khèn bè) dẫu lạc dây đôi chút vẫn khiến bài dân ca và điệu múa Lào “Láy tơ khoong” lần đầu tiên xuất hiện ở sân khấu Đắk Lắk không mất đi sự uyển chuyển vốn có.

Một chàng trai người Mông ở Cư Kuin lần đầu múa khèn rất điệu nghệ, bên cạnh một Y Thu người Êđê (TP. Buôn Ma Thuột) nay đã trưởng thành vững vàng làm chủ cây kèn đinh năm dìu dặt. Tiết mục hát chầu văn “Cô đôi thượng ngàn” của Ea Súp cũng là một nét đẹp lạ, hấp dẫn trong Liên hoan. Đặc biệt sôi động sân khấu nhất là những tốp ching Arap J’rai của Ea Súp và Ea H’leo cùng với dàn múa nữ duyên dáng. Có hai tiết mục tuy chưa đoạt giải bởi còn quá giản đơn nhưng được Ban Giám khảo đặc biệt chú ý là hòa tấu 3 nhạc cụ Êđê: Brõ, đinh buốt và đing tăk tar của Krông Bông và độc tấu Ting ning - goong  của Ea Súp. Hy vọng gặp lại lần sau với cách  phối âm và diễn tấu hiệu quả hơn…

…Và đôi điều tiếc nuối

Vui đấy nhưng vẫn có những điều đáng tiếc. Tiếc vì những bộ ching knah không người “chăm sóc” nên lạc giọng; ching Mđŭ không được bịt tắt tiếng hay ngồi sai vị trí trong dàn; đàn sai tông để người hát “chơi vơi”. Vẫn còn những bản phối đệm ồn ào, kém hiệu quả cả về nhịp độ lẫn chất liệu âm nhạc xa lạ với giai điệu giản dị của dân ca; hát bè quãng 3 theo lối hòa âm phương Tây thay vì bè quãng 4, 5 của nhạc truyền thống Việt Nam. Buồn nữa là trang phục Tây Nguyên cải tiến lòe loẹt chẳng hợp chút nào với dàn ching tre nguyên gỗ hay nón quai thao đi với váy yếm cộc chẳng hợp chút nào với bài dân ca quan họ ngọt ngào “Người ở đừng về”…

Trong khi các đội thông tin lưu động chuyên nghiệp từ cấp tỉnh tới cấp huyện (trừ đội văn nghệ của Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi) hầu như không quan tâm tới việc có nhạc cụ dân tộc (với lý do không có kinh phí để mua đàn và  học đàn) thì các nhóm nhạc nghiệp dư lại mạnh dạn đầu tư, dẫu chỉ là để tham dự một cuộc liên hoan.

Vài năm nay, múa là một loại hình nghệ thuật nở rộ: múa độc lập, múa minh họa, múa phụ họa, múa hình tượng… Chỉ tiếc trong Liên hoan lần này không có điệu múa nào chuẩn chất liệu dân gian, cứ lẫn lộn miền xuôi, miền ngược, Êđê, J’rai, Lào… trộn vào nhau khiến đội hình múa dân gian sai lạc hẳn. Múa dân gian Tây Nguyên xuất hiện trước hết trong các lễ nghi cúng Yang, sau mới đến trong múa sinh hoạt, do đó bàn chân không bao giờ nhấc gót cao quá bắp chân, hoặc hất ra đằng sau như múa Lào, tay chẳng khi nào cao quá đầu… Không lẽ các bạn trẻ không được amí truyền dạy như thế?!

Tuy chất lượng nghệ thuật thì còn nhiều điều phải bàn nhưng “Liên hoan thanh niên hát dân ca và diễn tấu nhạc cụ dân tộc” quả thật là một “cuộc chơi” thật thú vị. Đó cũng chính là hoạt động thiết thực góp phần bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống...   

 

Linh Nga Niê Kdam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.