Multimedia Đọc Báo in

Đường quê yêu dấu

14:25, 31/12/2016

Ai đã từng sinh ra và lớn lên chốn quê kiểng lại không từng gắn bó với những con đường quê. Những con đường đất. Những con đường không được đặt tên. Những con đường nhỏ nhắn, quanh co. Những con đường chỉ toàn cây cỏ… Ấy thế mà nó lại như mảnh hồn quê níu bước chân những đứa con đi xa.

Bây giờ, nhiều con đường làng đã được khoác lên mình tấm áo mới là lớp bê tông trông thật khang trang. Ấy thế mà sao ta vẫn nhớ hình ảnh những con đường làng vốn chỉ là đường đất đến thế. Một thời, ta theo sau gánh khoai của mẹ đi bán khắp đường làng ngõ xóm. Mưa xuống, gánh khoai kĩu kịt lại đè nặng trên đôi vai mẹ hao gầy, bàn chân mẹ bấm chặt xuống đường đất trơn chệnh choạng. Ta chưa biết gì, lại thấy thích thú khi được đặt bước chân lên những vũng nước mưa hay bùn đất nhầy nhụa trên đường làng, cảm giác mát lạnh, mơn man khắp da thịt.

Đi trên những con đường đất trong làng, ta còn cảm nhận được mùi âm ẩm, ngai ngái bốc lên, nhất là những khi có cơn mưa bất chợt đổ xuống. Đó là mùi của đất mẹ, của quê hương xứ sở mà có lẽ những ai xa quê đến sống ở chốn thị thành không dễ gì quên được. Còn gì thoải mái hơn khi ta dạo bộ trên đường làng bằng đất quanh co, ngắm nhìn những rào dậu tươi xanh, những luống rau quê mơn mởn ngọt lành.

Minh họa: Trà My
Minh họa: Trà My

Một chiều lang thang trên đường bờ đê quê nhà, nhớ sao tuổi thơ ta, từng dấu chân xưa như vẫn còn in trên triền đê ngập tràn cỏ mướt. Những buổi chiều lộng gió, ta để mặc đàn bò nhởn nhơ gặm cỏ, tung tăng chạy trên mặt đê, mắt dõi theo cánh diều dập dìu lên xuống, chao lượn. Và thế là hai ống quần ta dệt kín hoa cỏ may.

Hoa cỏ may, thứ hoa đồng nội ta có thể dễ dàng bắt gặp bất cứ nơi đâu ở vùng đồng bằng. Bông may tim tím khi còn xanh rồi chuyển màu bàng bạc lúc khô dần cứ phất phơ trước gió, trông thật lãng mạn. Có lẽ vì thế mà từ lâu nó đã trở thành nguồn cảm hứng dạt dào cho nhiều thi sĩ có được những vần thơ đi cùng năm tháng: Hồn anh như hoa cỏ may/ Một chiều cả gió bám đầy áo em… (Nguyễn Bính). Con đê làng giăng mắc những bông may đã là không gian lý tưởng cho biết bao trai gái quê gửi lời tỏ tình, yêu thương. Và rồi, khi không đến được với nhau, bờ đê, cỏ may lại như những người bạn để họ chia sẻ, tâm tình: Trăng vàng đêm ấy bờ đê/ Có người ngồi gỡ lời thề cỏ may (Phạm Công Trứ).

Ai ở chốn đồng quê hẳn sẽ không thể quên được những con đường bờ trục chạy thẳng xuống cánh đồng bát ngát hay đường bờ ruộng ôm từng thửa lúa chín vàng. Nơi thôn quê, làng xóm ở cạnh hoặc có khi nằm giữa cánh đồng. Từ nhỏ, ta đã biết men theo đường bờ trục, bờ ruộng cắt cỏ về cho trâu ăn. Những ngọn cỏ tươi non nép mình bên bờ lúa cứ thế theo tay liềm ta thoăn thoắt. Dọc theo những con đường này còn là không gian lý tưởng cho những chú cua đào hang làm nhà ở. Những hôm thèm canh cua, nhất là mùa lúa trổ, ta lại mang giỏ đi theo từng bờ ruộng, bờ mương. Từng chú cua đồng béo vàng ẩn mình trong hang, lấm lem bùn đất cứ thế được ta bắt bỏ vào giỏ, tròn xoe mắt nhìn, theo ta về nhà.  Rồi ngày mùa rộn rã đến. Trên từng bờ ruộng, bờ trục, các bác nông dân lại quảy từng gánh lúa nặng trĩu bước đi, gọi nhau í ới, khuôn mặt rạng rỡ báo hiệu một vụ mùa bội thu.

Ta lớn lên, khát vọng giục giã bước chân ngày một đi xa. Bao năm sống xa quê, ta đã từng đặt chân đến biết bao con đường. Và rồi một ngày trên đường phố nơi đất khách quê người, lòng ta lại nao nao nhớ về những con đường quê yêu dấu. 

Nguyễn Đình Thu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.