Multimedia Đọc Báo in

"Chiến thắng Điện Biên" - bản hùng ca đi cùng năm tháng

16:07, 07/05/2017

Trong nhiều ca khúc của nhạc sĩ Đỗ Nhuận sáng tác về người lính như “Hành quân xa”, “Trên đồi Him Lam”…, ca khúc “Chiến thắng Điện Biên” là biểu tượng cao đẹp về sự hội tụ niềm vui của toàn Đảng, quân và dân ta sau những năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Năm 1995, trong dịp được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật (đợt đầu tiên), khi nói về sự ra đời của ca khúc “Chiến thắng Điện Biên”, nhạc sĩ Đỗ Nhuận nói với báo giới rằng: “Tôi đã hình dung ra ngày quân và dân Tây Bắc giải phóng. Những ca từ trong bài hát đều rút ra trong cuốn hồi ký trong những ngày tháng tôi chiến đấu. Tôi nghĩ, mình phải có một ca khúc sáng tác về ngày Điện Biên giải phóng trong sự hân hoan vui mừng của các dân tộc anh em miền Tây Bắc. Vậy là đêm mồng 7 tháng 5 năm 1954, tôi đã thức trắng để gieo những nốt nhạc đầu tiên lên những vần thơ. Những ca từ “Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về, giữa mùa này hoa nở miền Tây Bắc tưng bừng vui” đã nung nấu trong đầu tôi nhiều ngày, nhiều tháng trước đó. Ca khúc “Chiến thắng Điện Biên là ca khúc ruột của cuộc đời tôi đã nở hoa giữa miền Tây Bắc”.

Hố bộc phá trên đồi A1 (Điện Biên).
Hố bộc phá trên đồi A1 (Điện Biên). 

Khi được hỏi: “Tâm trạng của ông như thế nào khi viết ca từ đầu tiên”?, nhạc sĩ Đỗ Nhuận rưng rưng nước mắt: “Lúc đó tôi nghĩ đến ngày thắng lợi, đến sự thất bại của quân viễn chinh Pháp. Tôi mường tượng ra sự đầu hàng của các binh lính Pháp, bên cạnh đó là niềm vui hân hoan reo hò thắng lợi của quân và dân miền Tây Bắc. Suốt những ngày nung nấu những ca từ là những ngày tôi sống trong xúc động. Lòng trắc ẩn về sự vui mừng mà rơi nước mắt. Nói cách khác, tôi viết ca khúc “Chiến thắng Điện Biên” trong niềm xúc động tự hào và cả nước mắt”.

Có thể nói, ca khúc “Chiến thắng Điện Biên” đã được Đỗ Nhuận sáng tạo theo điệu thức dân ca, vận dụng nhuần nhuyễn những điệu dân ca Tây Bắc và làn điệu chèo (xắp qua cầu) của đồng bằng Bắc Bộ. Tất cả những hình tượng như tiếng kèn, nhịp bước quân hành, những bước chân rạo rực, điệu múa xòe hoa như cuộn chảy trong tâm hồn người nhạc sĩ rồi trào dâng thăng hoa thành vần, nhạc, điệu. Con người và phong cảnh Mường Thanh, Điện Biên, Tây Bắc đã được thăng hoa trong những ca từ, nhảy múa trong từng nốt nhạc, hân hoan hùng tráng trong mỗi điệp khúc, tạo thành biểu tượng sắc thái cho chiến thắng vinh quang của dân tộc. Để “Núi sông bừng lên, đất nước ta sáng ngời cánh đồng Điện Biên, cờ chiến thắng tưng bừng trên trời” khiến “Thế giới đang đón mừng chiến dịch đại thắng lợi, góp sức xây dựng hòa bình”.

Ngay sau khi ca khúc “Chiến thắng Điện Biên” hoàn chỉnh, Đài Tiếng nói Việt Nam đã trực tiếp thu âm và bài hát này đã trở thành bản nhạc “bình minh” chào đón mỗi ngày mới, phát rộng rãi trên toàn quốc. Những nốt nhạc “Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về, giữa  mùa này hoa nở miền Tây Bắc tưng bừng vui” đã làm nức lòng chiến sĩ cả nước, đi vào lòng nhân dân, có sức lan tỏa toàn thế giới. Ca khúc “Chiến thắng Điện Biên” như tuyên bố với bạn bè thế giới là toàn thắng đã về nhân dân Việt Nam, thực dân Pháp đã thất bại hoàn toàn, con người và dải đất Điện Biên đã bước sang ngày mới.

Mai Thắng (st-bs)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.