Multimedia Đọc Báo in

Chiếc ổ rơm và đống lửa sưởi mùa đông

10:04, 30/07/2017

Mùa đông ở miền Bắc cực rét. Có những đợt rét kéo dài, nhiệt độ xuống đến 11-12 độ kèm theo mưa dầm gió bấc khiến con người có cảm giác như “buốt vào tận xương”.

Bọn trẻ của làng Yên Phó đi học áo trong áo ngoài mà vẫn cứ rét. Ngày ấy cả làng còn nghèo lắm, quần áo phải vá víu năm, bảy mụn nên đứa nào có chiếc áo bông mặc đi học là đã thuộc “hạng sang” trong làng. Quần áo thì đã vậy, chăn đắp ấm mùa đông lại càng hiếm nên mới có chuyện trải “ổ rơm” và đốt đống lửa trong nhà để xua rét.

 Muốn có một chiếc ổ rơm sạch, không có con mạt và côn trùng gây ngứa thì việc đầu tiên sau khi thu hoạch lúa ở ngoài đồng về, người ta chọn những mẻ rơm ở những cánh đồng cao, phơi thật nỏ rồi ủ vào đầu hè hoặc chái nhà (nơi không có hạt mưa rơi vào). Khi gió hây hẩy báo hiệu đông sang, sắp đến cữ rét thì mang rơm ra tãi mỏng, phơi lại trước gió hanh; sau đó quét sạch nền nhà và ôm số rơm đó rải đều từng lớp (thường là ở góc tường kín đáo), cứ lớp này chồng lên lớp kia cho đến khi chiếc ổ rơm cao chừng bốn, năm mươi phân thì trải chiếu lên. Bọn trẻ rất khoái công việc này nên chúng thường hăng hái tham gia mà không đợi ai nhắc nhở. Một nhà có năm, sáu đứa thì tất cả đều ôm rơm, cãi nhau chí chóe, rơm vương đầy trên lối đi khiến bà hoặc mẹ phải luôn miệng nhắc. Khi ổ rơm rải xong, mẹ vừa trải chiếc chiếu lên thì chúng lập tức tranh nhau lăn vào, rồi vật nhau, rồi cười đùa, la hét, rồi có đứa khóc tu tu. Chơi say mê đến mức mùa đông lạnh vậy mà có thằng vã cả mồ hôi hột, mũi dãi rơm rạ dính đầy trên mặt nguệch ngoạc như vẽ hề. Nghịch trên chiếc ổ rơm chán chê đến mức rơm vừa trải đã nhầu nhĩ như bị trâu quần, chúng lại lột chiếc chiếu áp lên tường rồi thả xuống từ từ, làm thành một chiếc vòm nho nhỏ; lại tiếp tục với trò chơi mới, chui ra chui vào như luồn hang, cụng đầu nhau cồm cộp…

Song hành với chiếc ổ rơm ngày ấy là đống lửa được đốt ngay trên nền nhà. Tre pheo ngày xưa nhiều lắm, tre còn là một loại hàng hóa được bán cho những nơi làm nghề đan lát rổ rá, dần sàng… Sau khi chặt tre người ta đào gốc lên, phơi dưới nắng cho nỏ. Nhà nào có gốc xoan hoặc gốc nhãn trong vườn cũng tranh thủ đào lên để dành, dự trữ cho mùa đông tháng giá dùng đến. Khi gió mùa đông bắc về, hun hút hắt lạnh vào khe cửa thì bắt đầu đốt lửa. Ngoài một số gốc tre để dành cho việc nấu bánh chưng ngày tết, còn lại bao nhiêu được dùng để nuôi “đống rấm” trong nhà. Gọi là “đống rấm” vì khi đốt lửa không được để ngọn lửa cháy to, vừa có nguy cơ gây cháy nhà vừa tốn củi. Có nhà vần hẳn một gốc xoan to không chẻ để lửa cứ lém dần suốt tuần, suốt tháng. Cứ vậy, “đống rấm” cháy suốt mùa đông; tuy có ấm đấy, nhưng mùi khói ám khắp nhà, vào quần áo, vào chiếu chăn, vào cả những người ăn, ngủ trong căn nhà ấy…

 Với lũ trẻ, ngoài chiếc ổ rơm ra, đống lửa âm ỉ trong nhà cũng là một thế giới riêng. Ngọn khói xanh bốc lên ngoằn ngoèo cũng cho chúng một trò chơi bất phân thắng bại. Hai thằng ngồi hai bên đống lửa, thằng này lấy tay phẩy khói về thằng kia, miệng hô “Khói về đằng kia ăn cơm với cá/ Khói về đằng này lấy đá đập đầu”; thằng kia  phẩy lại và cũng đọc y như vậy. Đọc mãi, ngọn khói vẫn cứ bốc thẳng lên trời, chẳng chịu bay về bên nào, nhưng nếu đột nhiên có một làn gió lọt qua khe cửa lùa khói về một bên, là y như hai thằng lại chí chóe, lại nại đủ lý do để không chịu nhận phần thua. Có lần chúng còn nghịch dại đến mức khều than còn cháy đỏ ra rồi thách nhau gắp vào lòng bàn tay tung lên tung xuống xem thằng nào tung được nhiều lần hơn. Một lần thằng Minh tung được đến hơn mười lần, cả bọn đang nhọn mồm đồng thanh đếm: “13, 14, 15”… thì chợt Minh ta hét lên, phủi tay rối rít. Thì ra cục than cháy cứ nhẹ đi, mỏng dần rồi dính vào lòng tay cu cậu, không chịu bay lên nữa. Minh ta ôm bàn tay có vệt bỏng đỏ lựng, khóc rưng rức…

Nghịch chán những trò chơi của con trai, chúng rủ bọn con gái đến chơi trò “chuyền chắt” với mười thanh tre làm quân chuyền và một quả cà ghém làm quả chuyền. Chơi trò này, bọn con gái bao giờ cũng thắng, được búng tai bọn con trai thoải mái. Tuy vậy, có một lần tốp con trai bên phe thằng Hòa thắng, được búng tai phe con gái. Để “rửa hận” cho những lần thua “nhục nhã”, mấy thằng đực rựa co tay trỏ búng hết sức vào tai phe kia. Búng mạnh đến mức bọn con gái phải đưa tay che vội vành tai, quay lại chửi “những thằng vô lại”, thề từ nay “ cạch mặt bọn mày”…

 Khi mùa đông qua, hè đến, ổ rơm được dọn đi, “đống rấm” được hốt ra ngoài vườn thì bọn trẻ lại chuẩn bị cho những trò chơi mới như tìm nhựa đi dính ve sầu, vót tre để làm diều, chặt cần câu để câu cá rô trên đồng… Có điều, lúc trước khi mẹ chuẩn bị trải ổ rơm hoặc khuân gốc tre vào để đốt lửa thì chúng tham gia một cách nhiệt tình và tự giác, nhưng bây giờ khi ấm lên, công việc bốc rơm, hốt than “đống rấm” cần có người phụ giúp thì chúng lại lủi sạch, để bà và mẹ tự làm một mình; vừa làm các cụ vừa lầm bầm than: “Con với cháu, chúng nó đi đâu hết rồi không biết…”

Trẻ con là thế mà…

Đinh Hữu Trường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.