Muôn mặt đời thường
Điều áy náy
Hiến-con trai tôi chơi thân với cháu Đạt ở sát nhà. Hiến đang học cao đẳng nhưng năm nay quyết thi lại đại học, Đạt chuẩn bị vượt hai “cửa ải” là kỳ thi tốt nghiệp THPT và đại học sắp tới. Từ sau Tết Nguyên đán, hai đứa rủ nhau đi học thêm. Tầm năm giờ chiều, chúng đạp xe đi và về khi VTV bắt đầu chương trình thời sự buổi tối.
Tôi để ý, có hai hôm liền Đạt về trước, Hiến về sau khá lâu. Cùng lớp sao lệch nhau như thế? Nghe ba hỏi, Hiến ú ớ loanh quanh. Tôi áp đặt võ đoán: “Trong hai đứa, nhất định có đứa trốn học!”. Cùng đường, Hiến đành nói thật. Đạt đã bỏ học hai buổi và dặn Hiến đừng nói với bố nó; cả hai đã nghéo tay, hứa sẽ giữ lời. Để chắc ăn, tôi điện hỏi thầy giáo, sự tình quả như Hiến nói.
Không đi học thì đi đâu, không chừng sa vào chơi game. Thời nay, chắc chẳng có trò nào mê hoặc bọn trẻ hơn là game; đã có khối đứa bỏ học chỉ vì nghiện trò chơi điện tử. Lo cho chú bé cạnh nhà khiến tôi không thể im lặng. Sau một hồi lựa lời rào đón, tôi lưu ý bố Đạt về sự lơ là học tập của con anh, (chẳng dám nói thẳng là cháu trốn học). Dù đã tìm cách xoa dịu ông bố nhưng tôi cũng không ngăn được “bùng nổ”. Thế là thằng bé bị dũa một trận te tua, sợ quá nên “khai ra” hết.
Những ngày tiếp theo, tôi thấy Hiến và Đạt không đi học cùng nhau. Hai đứa cũng không còn qua lại hỏi bài vở nhau như trước. Với tôi, Hiến có vẻ xa lánh; khi ba sai bảo việc gì, nó làm miễn cưỡng. Nhìn mặt con buồn, tôi đoán nó có điều gì ấm ức. Vợ tôi “điều nghiên” và tìm ra nguyên nhân sự lạnh nhạt “dây chuyền” là do tôi nói với bố Đạt việc học của cháu. Đạt giận Hiến vì cho là không giữ lời hứa. Con trai tôi trách ba vì làm lộ “cam kết” của nó với bạn.
Vậy là thiện ý của tôi vô tình gây sứt mẻ tình cảm người thân. Không thể làm ngơ khi bọn trẻ trốn học nhưng trong trường hợp này, tôi có thể bảo Hiến khuyên bạn hoặc tôi gặp riêng Đạt thay vì vội nói với bố cháu. Cháu sẽ nhận ra lỗi mà không bị tổn thương nếu được đối xử tế nhị hơn. Cứ nghĩ thế, tôi lại áy náy cho xử sự đã rồi của mình.
Ý kiến bạn đọc