Multimedia Đọc Báo in

Câu chuồn bầu

16:23, 11/06/2010


Thời còn nhỏ, tôi rất thích đi bắt chuồn chuồn. Trong tất cả những loại chuồn chuồn, tôi mê nhất là chuồn bầu. Chuồn bầu bụng to, cánh rộng, mình dài màu xanh lá cây. Nó rất giống hình dáng chiếc máy bay bà già. Chuồn bầu ít đậu như chuồn ớt, chuồn kim, chuồn đá... nên bắt được nó phải rất kỳ công. Chuồn bầu đực thì nhiều nhưng chuồn bầu cái rất hiếm.

 

Họa hoằn lắm mới bắt được một con. Về hình dáng và màu sắc giữa chuồn bầu đực và chuồn bầu cái gần giống nhau. Khi chúng đang bay rất khó phân biệt. Điểm khác nhau rõ nhất là  phần dưới bụng chuồn bầu đực màu xanh lơ còn chuồn bầu cái màu trắng sữa. Chuồn bầu ít đậu nên bọn trẻ quê tôi thường phải dùng cách “câu” mới bắt được chúng.  Gọi là “câu” vì có cần, có dây, có mồi y hệt câu cá. Chỉ khác là cần câu nhỏ và ngắn hơn, không phải buộc dây cước mà buộc chỉ, không phải mồi giun mà là một con chuồn bầu (theo kiểu “dùng giặc bắt giặc”). Muốn câu chuồn bầu đực thì mồi phải là chuồn bầu cái. Chuồn bầu cái rất khó tìm. Tôi không biết thằng bé nào đã nghĩ ra được cái sáng kiến “hóa trang” khá thông minh : lấy vôi bôi một lớp thật mỏng dưới phần bụng chuồn bầu đực. Mấy chú chuồn bầu đực “máu gái” rất dễ bị lừa. Các “chàng” cứ tưởng cặp được "người đẹp", có ngờ đâu “người đẹp” cũng “đực rựa” như mình.
Câu chuồn bầu còn say hơn cả câu cá. Ăn cơm trưa xong là lũ trẻ chúng tôi đã rủ nhau lẻn ra  mấy thửa ruộng hoặc ven bờ hồ để câu chuồn bầu. Câu chuồn bầu cũng phải có “kinh nghiệm”. Đầu tiên phải luyện cách đọc câu “thần chú” : “Hu chuồn chuồn có khôn thì lại có dại thì bay”.  Đọc không cần to nhưng âm phải lan xa, chuồn bầu mới nghe và tìm đến. Đưa cần câu cũng phải hết sức nhẹ nhàng, uyển chuyển mới có thể dụ được đối tượng tiếp cận con mồi. Khi đối tượng đã bị con mồi “hớp hồn” thì phải xoay một vài vòng rồi chờ cho đến lúc "anh chị" dính chặt lấy nhau mới thả cần vồ bắt. Nếu vội vàng, hấp tấp hoặc chần chừ, do dự “anh chàng” sẽ buông “cô nàng” tẩu mất. Nghĩa là phải biết chớp đúng thời cơ. Những buổi nghỉ học, chúng tôi thường câu cho đến chập choạng mới về. Trước khi về chúng tôi thường “kiểm kê tù binh” xem đứa nào câu được nhiều hơn. Trong số chúng tôi, Trần Mành là tay câu chuồn bầu thiện nghệ nhất. Trung bình mỗi buổi cậu ta câu được ba bốn chục con. “Kiểm kê” xong chúng tôi tiến hành “thả tù binh”. Có “chàng” bị giam quá lâu nên khi được thả cứ bay loạng choạng, trông rất tội. Nhưng cũng có chàng vừa được tự do là lao vút lên tận trời xanh. Cái giống chuồn bầu ngu hết chỗ nói. Đúng là đánh chết  nết vẫn không chừa. Ngày hôm sau, chính các “chàng” đã từng bị bắt làm “tù binh” ấy lại tiếp tục vương câu, chẳng hề “rút kinh nghiệm” gì cả.
“Mồi”  bằng chuồn bầu cái bắt được nhiều “tù binh” hơn là “mồi” bằng chuồn đực bôi vôi giả cái. Chuồn đực “hóa trang” chỉ đánh lừa được những anh chàng ngu ngơ chứ khó qua mắt những anh chàng tinh quái. Vì thế, chúng tôi thường săn tìm bằng được chuồn bầu cái làm mồi. Có lần phát hiện một “cô nàng”  đang thiu thiu ngủ trên nhành tre cạnh hồ, tôi đi lom khom đến gần, rón rén đưa tay ra bắt. Đúng lúc ấy, Trần Mành đứng sau lưng vừa hét oang oang vừa vỗ tay đôm đốp : “Chuồn chuồn có cánh thì bay...”. Thế là “cô nàng” tỉnh giấc, vội vàng cất cánh. Tôi cáu tiết, còn Trần Mành cứ nhe hai hàm răng vàng khè ra cười.  Mặc kệ cậu ta phá đám, tôi vẫn tiếp tục dán mắt dõi theo đường bay của “cô nàng”. Chừng như bay mãi cũng mỏi, “cô nàng” lại sà xuống đậu ở một nhành tre khác, cao hơn. Tôi lại rón rén đến gần nhưng sơ ý dẫm lên mấy chiếc lá khô, đánh roạc. “Cô nàng” thấy động vội cất cánh bay ra giữa hồ rồi lẫn vào trong bóng hoàng hôn mờ tím. Tôi đứng trên bờ chờ mãi, chờ mãi vẫn không thấy bóng dáng “cô nàng” đâu cả... Chắc Trần Mành sợ tôi có chuồn bầu cái làm mồi thì sẽ câu được nhiều hơn cậu ta nên cậu ta phá đám chăng ? Học hết lớp 7 (tương đương lớp 9 bây giờ) tôi tiếp tục thi vào cấp III, còn Trần Mành bỏ học về làm kế toán hợp tác xã, rồi lấy vợ, sinh con... Sau này, nhớ lại chuyện cũ, tôi có làm bài thơ Bắt chuồn chuồn tặng Trần Mành : Chuồn chuồn có cánh thì bay / Có thằng cu Tí giơ tay bắt chuồn / Tí không bắt được Tí buồn / Đứng nhìn theo cánh chuồn chuồn dần xa / Tuối thơ của Tí trôi qua / Bao nhiêu mộng đẹp chỉ là mộng thôi ! / Đôi khi tưởng hóa thực rồi / Cầm vàng lại để vàng rơi bao giờ... Tôi định bụng hôm nào thư thả, tìm  lên Làng Mới, Phủ Định thăm Trần Mành, cùng nhau nâng ly, nhắc lại những kỷ niệm thời thơ ấu và đọc cho cậu ta nghe bài thơ Bắt chuồn chuồn. Tôi chưa kịp đi thì nghe tin Trần Mành vừa mất vì căn bệnh hiểm nghèo. Những người bạn cùng lứa với tôi  ngày một thưa dần.
Bọn trẻ ở quê bây giờ không còn cái thú “câu chuồn bầu” nữa. Chúng chỉ lao vào các trò chơi điện tử. Ruộng và hồ đã bị san lấp làm nhà cao tầng. Chuồn bầu đực, chuồn bầu cái bay đi đâu mất. Mấy lần về quê, tôi cố săn tìm  mà không hề thấy bóng dáng một chú chuồn bầu nào. Tự dưng tôi thấy lòng buồn man mác...
Mai Văn Hoan

 


Ý kiến bạn đọc