Multimedia Đọc Báo in

Kẻ nào đứng sau những vụ tự sát qua mạng ?

14:58, 11/06/2010
Trong những năm gần đây dịch vụ Internet phát triển vô cùng sôi động, ngoài những ích lợi ai cũng rõ thì mặt trái của nó lại ít người quan tâm, để lại nhiều nỗi lo cho con người, phát sinh ra những căn bệnh nan y, những vụ án, lừa đảo nghiêm trọng, thậm chí còn phát sinh trào lưu tự sát qua mạng chỉ vì nghiện "chat room" trên Internet dẫn đến chán sống.
Trẫm mình vì Internet
Một trong những vụ tự sát nghiêm trọng liên quan đến Internet được dư luận quan tâm gần đây là trường hợp của nữ sinh Nadia Kajouj, 18 tuổi ở ĐH Carleton, Ottawa, Canada. Nữ sinh này chính thức mất tích ngày 9/3/2008 trong khi đang là sinh viên năm thứ nhất trường đại học nói trên. Ngay sau khi  nhận được nguồn tin, cảnh sát đã vào cuộc, trao giải thưởng tới 50 nghìn USD cho những ai cung cấp thông tin để tìm thấy nữ sinh này nhưng phải hơn một tháng sau người ta mới vô tình phát hiện thấy xác của Nddia trôi trên sông cách trường vài kilômét. Qua khám nghiệm tử thi cho thấy đây chính là nữ sinh xấu số Nadia Kajouj, đặc biệt trên người không một vết thương, chứng tỏ Nadia đã tự tử.
Điều gì đã khiến nữ sinh này tìm đến cái chết? Theo điều tra của cảnh sát thì trước khi trẫm mình, Nadia đã bị khủng hoảng tâm lý trầm trọng, mắc stress nặng, từng chia tay với bạn trai, dùng thuốc ngủ, đặc biệt là thường xuyên vào mạng chat với bạn bè. Cũng qua thông tin trên, cảnh sát biết được Nadia thường hay chat trên mạng, vào chat room mà người ta quen gọi là tán gẫu, trao đổi e-mail với một nhóm người lạ có những cái tên rất hay, họ thường thông cảm với hoàn cảnh éo le, buồn chán của Nadia và khuyên Nadia tìm đến chết, bởi theo nhóm người này chỉ có cái chết mới giải phóng được con người khỏi nỗi đau trần thế.
Tự treo cổ vì Internet
Chưa đầy 3 năm trước khi Nadia biến mất, ở Anh cũng xảy ra một vụ tự tử tương tự. Theo đó, một  thanh niên 32 tuổi tên là Mark Drybrough cũng đã treo cổ tự tử ngay trong phòng ngủ của mình chỉ vì quá nghiện chat trên mạng, dẫn đến bi quan, chán sống và nghe theo khuyến cáo tự tử của một người phụ nữ có tên Li Dao. Thậm chí Li Dao còn hướng dẫn rất cụ thể cách treo cổ như thế nào để đi đến "cõi cực lạc" nhanh nhất. Chẳng hạn như Li Dao khuyên "hãy dùng một chiếc dây thừng treo lên móc quạt trần, dùng chiếc ghế để đứng lên đó,  sau khi đưa cổ vào tròng rồi thì đạp chiếc ghế đổ, thế là xong".
Theo những người thân trong gia đình thì Mark Drybrough là một chuyên gia IT (công nghệ thông tin) rất sành sõi, nhưng tự nhiên mắc bệnh trầm cảm nặng, đặc biệt là sau khi bị sốt do bệnh bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng (Infections mononecleosis). Từ tháng 6 - 2005 Marrk bắt đầu nghiện chat trên mạng, gửi email và nhận được nhiều thư điện tử từ nữ y tá Li Dao và hối thúc tự tử càng sớm càng tốt.
Ai có công phát hiện ra Li Dao ?
Hai người có công đầu tiên trong việc phát hiện ra Li Dao hay Falcon Gir hoặc Cami D là một phụ nữ cao niên ở làng Maiden Bradly, Wilt Shire (Anh), bà Celia Blay, 64 tuổi. Người phụ nữ này thường nghe thấy nói về những vụ tự tử rất lạ liên quan đến Internet. Ban đầu bà không tin nhưng do tò mò, bà quyết tìm ra sự thật. Trước đó, bà Celia Blay thường có thói quen vào mạng để tìm các thông tin chữa bệnh, mua thuốc nên cũng biết ít nhiều về các trường hợp này và cuối cùng bà đã tìm được trang website của y tá có tên là Li Dao. Chính trang website này đã khuyên bà tự tử cũng như cách thức hành động, thậm chí Li Dao còn cung cấp cho bà Blay cả những hình ảnh để làm theo và sau nhiều tháng bà Blay đã thu thập được đầy đủ chứng cứ.
 
Người thứ 2 có công tìm ra website " độc" nói trên là chị Katherine Lowe, 37 tuổi một phụ nữ hai con ở Wolverhampton, Anh. Katherine đã tiếp cận, gặp được người tự xưng là Falcon Gerl và cũng giống bà Blay, trang website này đã khuyên chị Katherine tự tử càng sớm càng tốt, thậm chí Katherine còn biết thêm cả những người khác có tên là Li Dao, Cami D, tất cả đều khuyên chị tự tử càng sớm càng tốt. Mặc dù hoàn cảnh rất khó khăn nhưng Katherine lại không thuộc nhóm người chán sống nên chị quyết định tìm ra sự thật, đặc biệt là lý do  vì sao nhóm người này lại chỉ đưa ra những lời khuyên tiêu cực và mục đích của việc làm này là gì. Cuối cùng chị Katherine đã thu thập được đầy đủ bằng chứng và mang đến trình với cảnh sát. Như vậy đã có tới 3 người tình nguyện làm thám tử để tìm ra sự thật là bà Blay, chị Katherine và mẹ của Drybrough. Phải nói ngay rằng khi các nguồn tin này đến với cảnh sát, người ta vẫn không tin, thậm chí làm ngơ và cho rằng họ còn nhiều việc quan trọng hơn phải làm, nhưng do sức ép của dư luận,  cuối cùng cảnh sát Anh và Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã vào cuộc và đã tìm ra chân dung kẻ tội phạm.
Li Dao  là ai ?
Sau một thời gian điều tra, FBI và cảnh sát Anh đã phát hiện thấy nữ y tá 28 tuổi có biệt danh là Li Dao, Falcon Girl và Cami D....  thực ra chỉ là một. Đó là một người đàn ông có tên thật là William Melchert-Dinkel làm nghề y tá ở Minnesota Mỹ. Đây là một người đàn ông bệnh hoạn, mắc bệnh trầm cảm nặng, rất nghiện các trang thông tin tự tử trên mạng Internet. Theo cảnh sát thì William là gã đàn ông hai mặt, có gia đình đề huề, 2 con còn nhỏ, rất yêu công việc, chăm đi lễ nhà thờ, nhưng mặt kia lại là con người cực đoan, căm ghét đồng loại, chán sống, rất ủng hộ hành động tự tử.
Thủ phạm William Melchert - Drinkel.
Thủ phạm William Melchert - Drinkel.

Chính William Melchert thú nhận rất nghiện các trang thông tin liên quan đến tự tử,  đã chinh phục trên 100 phụ nữ nhẹ dạ trên thế giới tự tử và có ít nhất 5-10 vụ tự tử “thành công”, trong số này có 2 nạn nhân nói trên. William Melchert-Dinkel thường xuyên bỏ việc, từng bị sa thải do không hoàn thành nhiệm vụ, tháng 5/2009 bị thu chứng chỉ hành nghề y tá vì tội ủng hộ bệnh nhân tự tử và tội thiếu trung thực trong khi hành nghề. Ngày 30/4/2010 mới đây y đã bị bắt về  tội khuyến khích Mark Drybrough và Kajouji tự tử. Theo luật của bang Minnesota thì nếu đầy đủ chứng cứ William Melchert -Drinkel có thể phải ngồi tù tới 15 năm và bị phạt tiền tới 30.000 USD.
Nguyễn Khắc
(Theo Ney/TTV-5/2010)

Ý kiến bạn đọc