Multimedia Đọc Báo in

Những sân bay nguy hiểm nhất thế giới

19:05, 30/08/2010

Ngoài danh sách những sân bay tốt nhất, bận rộn nhất thế giới thì gần đây giới truyền thông còn bình chọn và công bố danh sách Những sân bay tồi tệ nhất thế giới (Most World Scriest Airports) hay những sân bay nguy hiểm nhất thế giới, trong đó có 10 sân bay dưới đây được xếp đầu bảng.

1. Sân bay Tioman (Malayxia)
Xếp đầu danh sách là sân bay Tioman. được xây dựng tại đảo Tioman của Malayxia từng được đưa lên phim Bali Hai hồi năm 1956. Tioman là hòn đảo nhiệt đới rất đẹp nằm ở ngoài khơi biển đông, gần sát với Singapo, còn sân bay Tioman lại rất đặc biệt, chỉ dùng cho các loại máy bay 2 hoặc 4 động cơ lên xuống, có đường băng dài 992m, rất nhỏ hẹp nên khi hạ cánh phi công phải hết sức thận trọng, nhất là khi phải rẽ góc 90o. Hạ cánh đã khó nhưng khi cất cánh lại càng khó hơn, mọi việc phải kết hợp nhịp nhàng, mau lẹ nếu không sẽ lao đầu vào núi hoặc đâm xuống biển.

2. Sân bay quốc tế Princess Juliana
Sân bay quốc tế Princess được xây dựng từ thời chiến tranh thế giới thứ 2 nhưng ngày nay vẫn còn sử dụng, tọa lạc tại vịnh Simpson ở Caribe thuộc vùng đất Antille của Hà Lan. Khi cất cánh phi công phải có những phản ứng, xử lý nhanh nếu không sẽ lao vào núi, nhưng khi hạ cánh thì dễ hơn, tuy nhiên phải bay thật thấp vì vậy nguy cơ đâm vào những người đang có mặt trên bờ biển là rất lớn, thậm chí chỉ cách đầu người từ 10-20 mét.

3. Sân bay quốc tế JFK (New York, Mỹ)
Đây là sân bay khá bận rộn, nhưng ở đường bay A13L lại rất nguy hiểm cả khi hạ cánh lẫn cất cánh vì nó sát với vịnh Jamaica Bay ở phía bên phải và bên kia là đầm lầy. Phi công chỉ có tầm nhìn không quá 5 dặm (8 km) nên mọi việc phải hết sức thận trọng.

4. Sân bay Toncontin (Hônđurát)
Nếu đường băng ở sân bay JFK dài chỉ có 4.442 mét thì đường băng ở sân bay Toncontin ở Tegucigalpa, thủ đô Hônđurát chỉ có 1.862 mét. Với độ dài quá ngắn này làm cho máy bay lớn như Boeing 757 lên xuống rất khó khăn và ngay cả những máy bay cỡ nhỏ cũng gặp nhiều trắc trở. Trong khi đó điều kiện tự nhiên xung quanh cũng không thuận lợi, vì nó nằm trong thung lũng cao so với mặt biển là 1.004 mét, bao bọc bởi núi đá rất hiểm trở. Người ta khuyến cáo khi đến sân bay này nên mua bảo hiểm thân thể và cố gắng chịu những cú sóc "thót tim" khi máy bay cất hay hạ cánh.

5. Sân bay Tenzing- Hillary (Nêpan)
Đặc thù của sân bay Tenzing Hillary ở Lukla Nêpan là có một ngọn núi khổng lồ chắn một đầu, còn đầu kia là dốc 12o. Nó được xây dựng trên độ cao 2.438 mét và không có các thiết bị điều khiển bay, kể cả ban đêm. Nghe nói nó chỉ dùng cho những phi công có kinh nghiệm đã từng lên xuống, hoạt động nhiều ở sân bay này, nhất là phi công của hãng hàng không Yeti Airlines của Nêpan. Tenzing Hillary được xây dựng vào tháng 1/2008 để tôn vinh Sir Edmund Hillary, người đầu tiên chinh phục thành công Evrerst, ngọn núi cao nhất thế giới ở Nêpan.     

6. Sân bay Gibraltar
 Nằm ở vùng biển Địa Trung Hải thuộc địa phận Gibraltar, sân bay có đường băng dài không quá 6.000 feet (1.828 mét). Đường băng không chỉ ngắn mà còn có đường giao thông cắt qua, còn ở  phía trước là ngọn núi lởm chởm. Khi cất và hạ cánh những người dưới đất phải chắn barie giống như chờ tàu hỏa. Ngoài ra khí hậu ở đây lại rất khắc nghiệt nên đã có nhiều chuyến bay buộc phải hạ cánh xuống Malage, Tây Ban Nha hoặc Ma-rốc....

7. Sân bay Juancho E. Yrausquin (JEY)
JEY là sân bay duy nhất nằm trên đảo Saba ở Antilles thuộc Hà Lan  ở vùng Caribe. Ngọn núi có độ cao 877 mét so với mặt biển, còn sân bay được xây dựng kề cạnh mép nước, đường băng dài chỉ có 396 mét, quá ngắn cho các loại máy bay chở khách. Theo đánh giá của giới hàng không thì đây là một trong những sân bay nguy hiểm nhất thế giới cho dù chưa xảy ra sự cố nào. Khi cất cánh và hạ cánh các phi công phải nắm rõ địa hình, kết hợp mọi thao tác thuần thục để tránh không đâm đầu vào núi hoặc lao xuống biển.

8. Sân bay Madeira
Madeira là sân bay được xây dựng trên đảo Canary của Tây Ban Nha, có tên gọi cũ là Funchal Airpot, chính thức đưa vào sử dụng từ năm 1964, đường băng chỉ dài 1.600 mét được bao quanh bởi núi cao và đại dương nên được ví là “cái bẫy hàng không”. Năm 1977 đã diễn ra vụ tai nạn kinh hoàng khi một chiếc Boeing 727 hạ cánh đã bị vỡ tan thành từng mảnh sau khi đâm vào cầu đá. Sau vụ tai nạn này người ta đã tiến hành nâng cấp sân bay nhưng mức độ nguy hiểm vẫn chưa khắc phục triệt để.

9. Sân bay Courchevel (Pháp)
Mặc dù là quốc gia phát triển nhưng sân bay Courchevel của Pháp vẫn còn là mối nguy hiểm cho giới hàng không vì nó được xây dựng tại khu vực trượt tuyết nổi tiếng trên dãy Alps, đường băng lại cực ngắn chỉ có 525 mét, độ dốc trên 18%, vì vậy cất và hạ cánh đều phải thận trọng, nhất là khi thời tiết quá xấu.

10. Sân bay Kai Tak (HồngKông)
Kai Tak được mệnh danh là "mẹ của những sân bay nguy hiểm nhất thế giới". Những người đã từng đến và đi từ sân bay này đều không khỏi bàng hoàng về mức độ "rợn tóc gáy". Thậm chí người ta còn cho biết khi ngồi trong máy bay còn trông thấy rõ cả hình ảnh tivi trong các hộ gia đình bên đường. Kai Tak có một đường băng duy nhất nhô ra cảng Victoria ở vịnh Cửu Long, nơi có núi non lởm chởm bao bọc. Được xây dựng trên nền đất lấn biển vì vậy việc cất cánh và hạ cánh xuống sân bay Kai Tak là một thử thách đầy nguy hiểm đối với phi công. Do mức độ thiếu an toàn như vậy nên ngày 6-7-1998 sân bay này đã được thay bằng sân bay mới, sân bay quốc tế Hôngkong tại Chek Lap Kok.

K.N (Theo WB/GT -28/ )7/2010

 


Ý kiến bạn đọc