Multimedia Đọc Báo in

Chuyện xưa kể lại

Việc nước là trọng

22:25, 01/09/2010

Phan Thanh Giản (1796 – 1867), vị tiến sĩ duy nhất, niềm tự hào của kẻ sĩ Đồng Nai là một người con hiếu nghĩa hiếm thấy. Mẹ mất từ năm 7 tuổi, cha lấy vợ kế, Phan Thanh Giản từng phải ở với nhà sư Nguyễn Văn Noa ở chùa Phú Ngãi. Năm 1815, lúc 19 tuổi, cha Phan Thanh Giản bị tù vì tội để dân thiếu thuế. Thương cha, Phan Thanh Giản đầu đơn xin đi tù thay cha. Được chấp thuận, ban ngày Phan Thanh Giản phải làm những công việc nặng nhọc của người tù nhưng đến ban đêm cậu vẫn chong đèn tự học. Nhờ đức tính siêng năng ấy, cậu được một nhà giàu cạnh trại tù xin cho giảm án và cấp tiền nuôi ăn học. Cũng bởi tuổi trẻ của Phan Thanh Giản quá lận đận, mãi đến tận 29 tuổi mới thi đỗ cử nhân và năm sau đỗ tiến sĩ.

Năm 1828 khi làm tham biện tỉnh Quảng Bình, Phan Thanh Giản biết tiếng con gái quan án sát Quảng Trị tên là Trần Thị Hoạch đẹp người, đẹp nết, giỏi thơ phú và kén chồng rất kỹ. Duyên trời run rủi gặp ông nghè Phan Thanh Giản nghiêm trang, đạo mạo hơn mình một tuổi, Trần Thị Hoạch như gặp được người trong mộng. Phan Thanh Giản còn chút nghi ngại là mình còn có cha già, quê ở xa, liệu tiểu thư con quan án sát có chịu xa chồng, đảm đang việc nhà chồng hay không. Bởi vậy, trước khi đến hôn nhân, Phan Thanh Giản đã nói với người yêu:
-Tôi luôn bận việc thờ vua giúp nước, không ai nuôi dưỡng cha già, giữ trọn đạo dâu con, tình vợ chồng tôi cũng được cậy nhờ.
Trần Thị Hoạch khẳng khái:
-Phận làm vợ phải giữ câu phụ xướng phụ tùy, xin ông chớ nhọc lòng căn dặn.
Nói sao làm vậy, ngay sau ngày cưới Trần Thị Hoạch đã rời Quảng Trị, vào tận làng Bảo Mạnh (Ba Tri, Bến Tre) cáng đáng việc nhà chồng, phụng dưỡng cha chồng rất chu đáo.

Năm 1842, Phan Thanh Ngạn - cha Phan Thanh Giản mất, ông được vua Triệu Trị ban cho vàng bạc về lo việc tang cha. Ông giữ đúng cổ lệ khi về lo tang không đem theo lính hầu. Khi sắp phải về Triệu nhận chức Hình bộ thượng thư sau gần nửa năm chịu tang cha, bà Hoạch muốn chồng lưu lại ít ngày nữa lên giả vờ đau bụng. Dù yêu vợ nhưng muốn giữ trọn việc kiêng cữ trong thời gian cư tang, Phan Thanh Giản chỉ đứng ngoài hỏi thăm và sai con trai cả Phan Hương đưa thuốc cho bà uống. Ngày Phan Thanh Giản lên võng, bắt đầu cuộc hành trình về kinh, bà Hoạch níu võng khóc:
-Ông ra đi bao giờ mới có dịp về. Bao giờ vợ chồng mình mới có dịp gần nhau?
Phan Thanh Giản lảng tránh cái nhìn yêu thương của vợ, nén lòng nói:
-Việc vua, việc nước là trọng. Chuyện vợ, chồng là chuyện nhỏ.

 

Lê Hồng Bảo Anh

 


Ý kiến bạn đọc