Multimedia Đọc Báo in

Suy ngẫm từ “chiếc lồng nhốt” hòn đá, cây sưa!

17:16, 30/06/2012

Chuyện huyện Chư Sê (Gia Lai) cho làm chiếc lồng sắt để “nhốt” hòn đá nặng hàng tấn, đặt tại trụ sở UBND huyện… chưa hết ồn ào, thì đến việc Công ty Một thành viên Quản lý đô thị và Vệ sinh môi trường Dak Lak thí điểm “mặc áo giáp sắt” cho những cây sưa trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột cũng gây không ít ngạc nhiên. Những chuyện tưởng như khôi hài mà có thực, càng ngẫm càng thấy buồn!

Vì sao có chuyện “ cười ra nước mắt” như vậy?

Nguyên do là: chẳng hiểu vì sao, gỗ sưa tự dưng đắt hơn vàng; giá gỗ được cân bằng lạng, có thời điểm trên 10 triệu đồng/ kg, và trên 11 tỷ đồng/m3. Vậy là người người đổ xô đi “ tầm sưa” để mong sự đổi đời. “Cơn sốt” gỗ sưa “nóng” đến mức: nhiều gia đình gỡ cả bàn thờ, hoành phi, câu đối... xuống cân đong đến từng “hoa”, thu về tiền tỉ. Thậm chí có nơi còn hình thành cả đội quân ra các nghĩa trang săn lùng những tấm áo quan được làm bằng thứ gỗ này. Chuyện gây xôn xao hơn cả là 3 cây gỗ sưa ở Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (có giá hàng trăm tỷ đồng) nằm ở khu vực Hung Trí, giữa hai vách núi dựng đứng, cao  731m so với mặt nước biển, lại thuộc phân khu được bảo vệ nghiêm ngặt nhất. Ấy vậy mà, chẳng hiểu vì sao lâm tặc cũng đốn hạ và chuyển đi trót lọt một cách khó hiểu, để đến khi lực lượng chức năng phát hiện, chỉ thu hồi được… ít rễ, cành sót lại.

Hòn đá bị “giam” trong lồng sắt... (ảnh trên -  T.L)
Hòn đá bị “giam” trong lồng sắt...                                   Ảnh:  T.L

 

... và cây sưa được “mặc áo giáp sắt” Ảnh bên - L.V
... và cây sưa được “mặc áo giáp sắt”                           Ảnh: L.V

Chuyện gỗ sưa được giá lan nhanh, khiến nhiều nơi sưa trở thành đối tượng truy lùng gắt gao, trong đó Dak Lak cũng không nằm ngoài “vùng phủ sóng”. Trước việc 6 cây sưa ở đường Trần Văn Phụ, đường Trần Hưng Đạo v.v… bị kẻ xấu cưa đốn, đã buộc Công ty Một thành viên Quản lý đô thị và Vệ sinh môi trường Dak lak thí điểm “mặc áo giáp sắt” cho những cây sưa trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Trước đó, Công ty đã triển khai kế hoạch bảo vệ 24/24 giờ cho 21 cây sưa còn lại trên các tuyến phố bằng cách: phân công hàng chục nhân viên cứ sau 21 giờ đêm lại mắc võng thức trắng  bên các gốc sưa chỉ mới to bằng bắp chân. Sau hơn một tháng triển khai “mắc võng canh sưa”, theo nhận định của một lãnh đạo công ty: giải pháp này gặp nhiều khó khăn lại tốn kém, mất thời gian, ảnh hưởng đến sức khỏe nhân viên. Không những thế, những nhân viên bảo vệ sưa còn đối diện hiểm nguy khi bị các “sưa tặc” đe dọa giữa đêm khuya. Trước thực trạng trên, Công ty chuyển sang biện pháp bảo vệ sưa bằng các lồng sắt kiên cố. Những chiếc lồng sắt này được hàn kết dính theo hình chữ nhật, mỗi lồng nặng hơn 200 kg, rộng khoảng 1,2 mét, cao khoảng 2,5 mét, ôm trọn gốc cây sưa. Lãnh đạo Công ty cho biết: việc làm lồng sắt bảo vệ sưa chỉ là giải pháp tạm thời nhằm giảm bớt áp lực canh gác hằng đêm cho công nhân.

Dù sao thì đây cũng là giải pháp tối ưu trong thời điểm này, nhằm bảo vệ những cây sưa chưa bị kẻ xấu cưa đốn; cũng như việc huyện Chư sê  (Gia Lai) làm lồng sắt để giữ hòn đá khỏi bị đánh cắp. Nhưng, từ chuyện “hòn đá bị giam”, chuyện “mặc áo giáp sắt cho sưa” suy ra chuyện đời, càng ngẫm càng thấy buồn. Buồn bởi lòng tham của nhiều người đã khiến họ trở nên táo tợn, liều lĩnh đến mức bất chấp pháp luật, bất chấp đạo lý, phi nhân tính. Họ sẵn sàng “thế chấp” tất cả, miễn là có nhiều tiền; càng nhiều càng tốt. Trong đó có thể kể đến hiện tượng một số  ca sĩ muốn nổi danh bằng việc khoe nội y, khoe thân xác trước bàn dân thiên hạ, hoặc làm nổi đình nổi đám bằng các vụ xì căng đan… cũng chỉ với mục đích nhanh chóng có nhiều tiền. Hoặc chuyện tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp ở trường THPT dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang), xét cho cùng, cũng chỉ vì “ Bệnh thành tích” trong thi cử mà ra. Rồi đến chuyện một số đại lý bán xăng pha nước vào xăng, chuyện các đại lý bán gas lẻ pha hỗn hợp nguy hiểm vào gas, chuyện chế biến thịt thối thành các món ăn cho thực khách, chuyện sữa của trẻ em có lẫn chất Melamine, việc dùng chất tạo nạc trong chăn nuôi v.v… tất cả chỉ để người kinh doanh tăng nhanh lợi nhuận, bất chấp nguy hiểm tính mạng của người tiêu dùng. Không những thế, việc làm ăn gian dối còn gây ảnh hưởng rất lớn đến người làm ăn chân chính, một khi thị trường cùng tẩy chay sản phẩm của họ. Đơn cử việc buôn bán, sử dụng chất Beta - agonist (đã cấm sử dụng trong chăn nuôi, chế biến thức ăn gia súc) chính là nguyên nhân dẫn đến tồn dư chất Beta - agonist trong thịt và sản phẩm, đe dọa đến sức khỏe người tiêu dùng, gây tâm lý hoang mang cho cộng đồng, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thịt lợn.

Do vậy, để xã hội giảm dần những chuyện “ thật như hài” về chiếc lồng sắt “ giam” hòn đá, cây sưa; giảm dần những tiêu cực trắng trợn, bất chấp pháp luật… thì luật pháp phải được thực thi một cách nghiêm túc, nghiêm minh và công bằng; trong đó những người cố tình " gian để giàu" một cách phi nhân tính, tham lam đến mức phi đạo đức phải bị lên án và nghiêm trị...

Đinh Hữu Trường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.