Multimedia Đọc Báo in

Chia đất

10:05, 06/07/2012

Từ xưa đến nay tình cảm gia đình là thứ tình cảm quý báu, thiêng liêng nhất trong cuộc đời mỗi người. Đó là tình cảm lớn bao hàm máu mủ ruột rà, cha mẹ ông bà. Từ anh chị em chung bầu sữa mẹ đến tổ tiên nguồn cội. Người nhà quê có cách cụ thể hóa biểu hiện tình cảm gia đình bằng mảnh đất ông bà để lại và bàn thờ gia tiên. Mỗi dịp cúng giỗ hay lễ tết con cháu tề tựu lo mâm cơm cúng ông bà, tình cảm gia đình thật ấm áp thiêng liêng. Cuộc sống thay đổi, tình cảm con người cũng dần đổi thay. Đất đai lên giá vùn vụt nên tình cảm gia đình đứng trước một thử thách lớn: chia đất.

Người dân quê tôi xưa nay có tục dựng vợ gả chồng cho con thường lo cho mảnh vườn, ít đất. Việc làm đó giống như chia đất nhưng không gọi bằng từ này. Con cái không so bì nhiều ít và luôn coi trọng mảnh vườn của cha mẹ thường dành cho con trai út để thờ tự. Từ ngày cơn sốt đất xảy ra đã làm xuất hiện hai chữ “chia đất”. Nó đặt tình cảm gia đình vào chỗ khó khăn trong cuộc sống thị trường. Hai chữ bình thường ấy khi được nói ra bởi lòng tham nó trở nên đáng sợ như lát cắt cứa vào thứ tình cảm quý báu của đời người.

Đầu tiên là vụ đưa nhau ra tòa của anh em gia đình nọ vì cha mất sớm, bà mẹ qua đời mà không để lại di chúc. Lẽ thường ở quê tôi thì anh con út còn ở với mẹ sẽ được thừa hưởng mảnh vườn và ít ruộng của mẹ để lại. Bởi vì ai cũng đã được mẹ lo cho ít nhiều. Thế nhưng không biết do đâu mà mấy ông anh lại đòi ra tòa để “ăn đồng chia đủ” với anh con út. Lưỡi dao “chia đất” đã rạch nát tình cảm anh em và khiến những ai quan tâm đến tình cảm truyền thống cũng đau lòng. Không biết anh em nhà kia có khi nào nhớ rằng họ đã từng cùng chung bầu sữa mẹ hay không?

Từ đó những người cẩn thận thường chuẩn bị sẵn tờ di chúc để cho con cái khỏi tranh giành quyền lợi khi mình nằm xuống. Tờ giấy vô tri được gọi tên “di chúc” thể hiện tình thương vô cùng của cha mẹ dành cho con. Ngay cả khi nhắm mắt xuôi tay còn lo tình cảm gia đình, nghĩa tình anh em sứt mẻ vì mất thước đất. Thế nhưng lại vì lòng tham nên đã khiến tình người trở nên chua xót. Cha mẹ khi già yếu thì con cái bỗng dưng hiếu thuận đến khó hiểu, vì ai cũng mong cho nội dung tờ di chúc có lợi cho mình hơn.

Từ chuyện gia đình trong xóm, nhiều người dân quê tôi lại thêm một nỗi lo tình người đang nguội lạnh dần. Không thể gọi là vô cảm mà phải gọi là nhẫn tâm. Không nên đổ lỗi cho cuộc sống mà do con người để đồng tiền gặm mòn lương tri. Rất may là đời vẫn còn niềm vui. Đó là nhiều người đang cố giữ tình cảm gia đình như giữ gìn một truyền thống tốt đẹp. Dù sao thì chuyện chia đất cũng đáng để gióng lên hồi chuông cảnh báo về đạo đức xã hội, nhất là với dân quê. Cần giúp mọi người hiểu tình yêu thương mới là vốn quý. Chia đất không thể và không được chia rẽ tình cảm gia đình vì đó là tình cảm thiêng liêng nhất của mỗi người.

Hàn Nhân


Ý kiến bạn đọc