Những trận động đất ở Việt Nam trong lịch sử và quan niệm của các vua chúa
Ở Việt Nam những cơn động đất không phải chỉ mấy năm gần đây mới xuất hiện, mà từ trước đó rất lâu, các sách chính sử của nước ta đã từng ghi lại những sự kiện động đất như vậy. Từ Đại Việt sử ký toàn thư đến Đại Nam thực lục đều có ghi chép về những dấu hiệu của động đất.
Đến triều Nguyễn động đất cũng đã xảy ra ở một số nơi, sách chính sử của triều Nguyễn như Đại Nam thực lục có cho biết một số địa phương và năm xảy ra động đất như sau: Bính ngọ, năm thứ 18 [1666], mùa xuân, tháng 3, ở Hồ Xá có động đất. Ất sửu, năm thứ 37 [1685], mùa hạ, tháng 5, ở Cam Lộ động đất. Ở Gia Lộc ngoại châu Bố Chính có động đất. Ở hai phủ Thăng Hoa và Quy Ninh động đất. Tháng 9, Quảng Bình động đất năm 1736. Thanh Hoa và Thanh Bình động đất. Nghệ An động đất.
Tuy nhiên khi sự việc động đất xảy ra chính quyền phong kiến cũng không lý giải được nguyên nhân mà cho rằng đó là thiên tai kinh khủng và do trời phạt vì ăn ở không đúng lễ nghi. Vì vậy, hiện tượng động đất được các vua triều Nguyễn lấy đó để sửa mình. Ngoài ra, động đất cũng không được tính toán mức độ rung như thời hiện đại mà qua hiện tượng động đất này, các sử thần cũng chỉ ghi chép một cách chân thực. Ví dụ: Thanh Hoa bị hạn và động đất, Trấn thần không tâu lên. Vua nghe tin quở rằng : “Trẫm từ lên ngôi đến nay, chăm chắm mong được trị yên, gặp có tai biến càng thêm sợ hãi sửa đức trừ tai, chẳng dám chút nào nghĩ chuyện vui sướng. Nay các ngươi lại giấu giếm chẳng báo, như thế há phải đạo bầy tôi thờ vua ? Tạm tha cho. Từ sau nếu lại quen thói xấu, mà kiêng dữ nói lành để mong đẹp lòng thì tất sẽ bị nghị xét, không phải là nhỏ”. Rồi Trấn thần đem việc lúa hại gạo đắt tâu báo. Liền sai lấy 30.000 hộc thóc kho bán rẻ cho dân. (Thóc 1 hộc giá 2 quan tiền giảm xuống 1 quan). Nghệ An có động đất. Trấn thần báo cho bộ Lễ. Vua nghe tin nói : “Địa phương có điều lạ, nên kịp tâu ngay để trẫm biết mà sợ hãi tu tỉnh, sao lại giấu giếm không nói ?”. Bèn sắc cho bộ tư về trấn bảo phải làm sớ tâu lên. Tỉnh Bắc Ninh động đất, có tiếng như tiếng sấm. Hộ đốc là Bùi Tuấn đem việc tâu lên. Vua bảo bọn Nguyễn Tri Phương và Trần Tiễn Thành rằng : Việc động đất trong sách đã nói đất thuộc về âm, là đạo của người làm tôi, người đàn bà. Trước theo lời dụ của Tiên đế có nói : Nước ta ở về phương Nam, nhiều gió bão, chưa thấy có tai dị về động đất. Nay điềm tượng huyền bí như thế, các ngươi phải cố gắng khuyên răn nhiều hơn, để giúp trẫm những chỗ thiếu sót.
Tỉnh Bình Thuận động đất (địa phận phủ Hàm Thuận từ đấy đến tháng 12 tất cả 3 lần, lần đầu nước sông cuốn lên, nhà ngói cũng rung động, 2 lần sau hơi nhẹ). Sai Khoa đạo Tạ Ngọc Đường đến Bình Thuận dò xét tình tệ. Bấy giờ, quan ở viện Cơ mật và nha Thương bạc tâu nói : Tỉnh Bình Thuận động đất 3 lần, tai biến há không duyên cớ, hoặc hình ngục oan lạm không giãi tỏ ra, hoặc dân tình u ẩn không thấu đến trên, hoặc tình nước láng giềng chưa được ổn thỏa, hoặc kẻ lại ác nghiệt kết oán, xin chọn phái chức khoa đạo công bằng liêm chính đến ngay, chiểu các tình hình nói trên, dò xét mật cho kỹ càng và ngoài ra còn có mối tệ gì quan ngại, đều phải tâu ngay. Mới chuẩn lấy Ngọc Đường sung phái, Ngọc Đường liền đem các việc nha Doanh điền và Thương cục làm hại dân tâu lên.
Qua việc tìm hiểu một số những ghi chép về hiện tượng động đất trong chính sử Việt Nam, chúng ta phần nào thấy được hiện tượng động đất ở nước ta cũng đã xảy ra trong quá khứ, từ đó để chúng ta nhìn vào hiện tại, khi các hiện tượng thiên nhiên khắc nghiệt thường xuyên xảy ra với mức độ mạnh hơn khốc liệt hơn và khó dự đoán. Thì những ghi chép trong sử cũ phần nào cũng là tư liệu tham khảo hữu ích cho các nhà khoa học dự đoán động đất trong tương lai.
Nguyễn Huy Khuyến
Ý kiến bạn đọc