Văn hóa ứng xử với nhau
Trong cuộc sống xã hội hiện nay, có rất nhiều vụ án mạng nảy sinh từ những mâu thuẫn rất nhỏ. Tại sao lại như vậy? Tại sao họ lại không biết cách kiềm chế và điều chỉnh hành vi ứng xử của mình để tránh gây ra những hậu quả đau lòng.
Khi xảy ra một vụ án mạng nào đó từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống ai cũng quy trách nhiệm cho người đã gây nên cái chết của đối phương. Nhưng ít ai người ta lại phán xét đến người đã mất. Trong khi đó người đã chết cũng phải chịu một phần trách nhiệm về cái chết của mình. Nếu họ bớt nóng nảy một chút, biết cách ứng xử tế nhị hơn một chút thì có lẽ mọi chuyện đã khác và chắc chắn án mạng sẽ không xảy ra. Dĩ nhiên là luật pháp sẽ không tha thứ cho hành vi côn đồ của kẻ sát nhân. Tương tự như vậy, khi tham gia giao thông, hành vi vượt đèn đỏ, đòi đánh người khi họ lỡ va quẹt vào xe của mình… cũng thường hay xảy ra. Những hành vi đó là gì? Nếu như không phải là vô văn hóa sao? Là côn đồ và hành xử như bọn xã hội đen sao? Ban đầu chỉ là cuộc khẩu chiến và hậu quả cuối cùng là thật đáng tiếc, người thiệt mạng, kẻ vào tù, tương lai mờ mịt, gia đình tan nát, con cái, người thân lại gánh nỗi đau suốt đời. Tất cả đều do thiếu văn hóa ứng xử, thiếu những kiến thức hiểu biết rất “đời thường” trong cuộc sống hàng ngày gây nên. Những người gây nên những hậu quả này thường là những người ít học, văn hóa kém và thiếu hiểu biết về văn hóa ứng xử. Họ luôn tự cho rằng mình đúng và có quyền bắt người khác phải nghe theo mình. Thử hỏi họ là ai mà tự cho mình cái quyền bắt người khác phải quy phục?
Điều quan trọng nhất trong cách ứng xử của mỗi người, chính là thái độ của mình đối với những người xung quanh. Trong một gia đình cha mẹ đối xử tôn trọng lẫn nhau thì con cái cũng sẽ học được những điều tốt đẹp đó từ cha mẹ và ngược lại. Môi trường gia đình là quan trọng nhất để hình thành nhân cách của một con người. Vậy nên những người làm cha, làm mẹ đừng xem thường những hành vi vô văn hóa của mình khi xảy ra mâu thuẫn vợ chồng trước mặt con cái. Vì thế cần phải tuyên truyền đến các bậc phụ huynh về tầm quan trọng của việc dạy con. Chúng ta phải dạy dỗ con em của mình ngay từ khi còn nhỏ. Cần dạy cho trẻ biết kính trên, nhường dưới, tôn trọng và yêu thương mọi người, để khi các em bước ra xã hội, chắc hẳn sẽ biết cách ứng xử tử tế hơn.
Ứng xử với nhau có văn hóa là một trong những “kỹ năng mềm” mà chúng ta cần phải có trong cuộc sống. Nó không những đòi hỏi môi trường giáo dục tốt từ phía gia đình, nhà trường và xã hội mà còn yêu cầu ý thức cao từ bản thân ở mỗi con người. Trong cuộc sống cần cố gắng kiềm chế bản thân, rèn luyện cách ứng xử có văn hóa có như vậy thì xã hội ta bớt đi những sự việc đau lòng mà ngược lại sẽ có nhiều công dân tốt cho xã hội. Như vậy không những gia đình hạnh phúc ấm êm mà xã hội cũng sẽ tốt đẹp hơn.
Võ Hoàng Nam
Ý kiến bạn đọc