Multimedia Đọc Báo in

Ngon lạ bò một nắng

09:59, 20/01/2013

Ở huyện Sơn Hòa (Phú Yên) có một món đặc sản, mang dấu ấn của vùng đất cao nguyên gắn với nghề nông nghiệp: bò một nắng.

Theo một số người lớn tuổi, món bò một nắng ở Củng Sơn bắt nguồn từ cách chế biến thịt nai khô của người dân trong những năm trước giải phóng. Sau này, người ta dùng thịt bò chế biến như kiểu nai khô để ăn, để dự trữ thực phẩm. Món này ngon, hợp khẩu vị lại được nhiều người ưa thích, rồi nó dần trở thành đặc sản của phố núi Sơn Hòa hôm nay. Bò một nắng còn được người dân ở đây mượn câu thành ngữ “Một nắng hai sương” để gọi tên nhằm biểu thị sự vất vả cực nhọc nhưng đậm đà tình nghĩa khó quên khi thưởng thức. Tên gọi này còn được hiểu theo nghĩa cách chế biến: bò chỉ phơi một nắng vừa héo rồi nướng ăn, thế mà ngon không có gì bằng, ăn một miếng không thể không ăn miếng thứ hai.

Để có món bò một nắng đúng ngon, trước hết phải chọn loại bò cỏ tơ, được chăn thả tự nhiên trên các triền núi sông miền tây Phú Yên. Chỉ chọn hai phần trong một con bò là thịt đùi và thịt thăn, sơ chế kỹ rồi thái thành miếng mỏng, mỗi miếng nặng độ 0,4 kg, ướp muối, đường, bột ngọt, ớt hiểm rồi đem phơi. Nếu trời tốt nắng chỉ phơi một nắng, nếu trời không nắng hoặc mưa có thể dùng lò than sấy. Dù xử lý theo cách nào cũng phải bảo đảm độ chín gần 60%, (trung bình để có được 01 kg thành phẩm, phải cần đến 1,7 kg nguyên liệu bò tươi nguyên chất). Sau khi sấy, loại bỏ lượng nước trong thịt, phần còn lại sẽ khô dai, có độ ngọt tự nhiên và hương vị đặc trưng của thịt. Với tỷ lệ này, bò một nắng có thế để rất lâu nếu như ta bảo quản tốt. Khi ăn, ta đem nướng bằng lửa than vừa chín đều, khô mặt và hơi rám cháy là ngon nhất.

Bò một nắng khi ăn được chấm với các loại muối ớt khác nhau. Có thể là ớt tương, muối ớt lá é trắng nhưng độc đáo hơn cả là chấm với muối ớt kiến vàng (người dân tộc tiểu số gọi là muối then len), loại muối này được giã kèm muối, ớt, trứng và con kiến vàng tươi cùng với ít gia vị bí quyết. Ăn bò một nắng chấm muối ớt kiến vàng, kèm với dưa leo, các loại rau thơm, đơn giản thế mà ngon vô cùng.

Tấn Trực


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.