Cái tốt và xấu
Trong xã hội luôn tồn tại cái tốt và xấu. Đây là một phạm trù đối lập nhau. “Tốt” có nghĩa là “có chất lượng cao, đẹp, hay”; trái lại “xấu” là “có hình dạng, phẩm chất không được tốt” (theo Từ điển Tiếng Việt của Thái Xuân Đệ). Cái tốt và xấu được biểu hiện ở nhiều đối tượng khác nhau như: sự vật, hiện tượng, con người…Và, chúng tôi xin được bàn về cái tốt và xấu trong đời sống hằng ngày của con người.
Đối với con người, cái tốt và xấu là tiêu chuẩn được đặt ra để đánh giá về một con người. Nó được biểu hiện ở nhiều mức độ, phương diện khác nhau và được sự thống nhất chung của đông đảo mọi người trong xã hội.
Thực tế trong cuộc sống, có không ít người biết phân biệt rạch ròi giữa cái tốt và xấu. Nghĩa là nhận thức được chuyện đúng, sai; điều nên làm và không nên làm. Nhưng, vì còn mang nặng tư tưởng của lối sống thực dụng, cá nhân nên họ sẵn sàng chấp nhận làm việc xấu để đạt được ước muốn của mình. Hành động của họ sẽ bị xã hội lên án.
Mặt khác, một số người vì có suy nghĩ bảo thủ, luôn cho rằng “mình lúc nào cũng đúng”, nên dần dần tự làm cho mình trở thành người xấu mà dường như chính bản thân họ không hề hay biết.
Bên cạnh đó, có nhiều người, bản chất của họ vốn là người tốt. Nhưng, do hoàn cảnh hay một lý do nào đó khiến cho họ không còn cách nào khác, ngoài việc chấp nhận làm điều xấu.
Người tốt là người có lối sống không thực dụng, cá nhân; sống phải biết mình, biết người, biết yêu thương, quan tâm đến mọi người xung quanh; lời nói đi đôi với hành động. Trước khi làm việc gì đó phải có sự cân nhắc, lường trước được hậu quả và tuyệt đối không gây hại cho người khác. Người làm việc tốt luôn được xã hội, pháp luật thừa nhận, luôn được mọi người kính trọng và sống một cuộc sống có ích.
Cuộc sống của con người muôn màu, muôn vẻ. Con người cũng thế, cũng có người này, người khác và cũng có người tốt, kẻ xấu. Đó là quy luật cuộc sống của con người. Điều quan trọng là phải có nhận thức đúng đắn giữa cái tốt và xấu, từng bước phát huy cái tốt, đẩy lùi cái xấu, góp phần xây dựng xã hội ngày càng văn minh, hiện đại. Đúng như Bác Hồ đã dạy “Mỗi con người đều có thiện ác trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi” (Ý kiến về việc làm và xuất bản loại sách “Người tốt việc tốt”, 6-1968, Hồ Chí Minh toàn tập, t12, tr558).
Nguyễn Văn Dô
Ý kiến bạn đọc