Học hiếu đễ để biết kính nhường
Bây giờ, đến nhiều gia đình ta thường thấy chủ nhà treo các bức đại tự, Việt có, Hán có: Nhẫn, phúc, lộc, thọ..., như một lời nhắc nhủ tự răn mình và hướng tới những điều tốt đẹp. Đó cũng là những khao khát chính đáng của con người, tuy nhiên cách thức để đạt được nó ở mỗi người lại là một câu chuyện khác, rất khác...
Riêng tôi, cứ mỗi lần nhìn những bức đại tự ấy lại bâng khuâng nhớ về cái thời thơ bé của mình. Ngày ấy, trong căn nhà tranh lúp xúp, bố tôi trân trọng treo lên ở nơi trang trọng nhất của ngôi nhà hai chữ “Hiếu Đễ”. Ông nói giản dị rằng, trong gia đình phải biết kính trọng và hòa thuận. Mà không riêng gì gia đình tôi, ngày ấy hầu như mọi người đều đề cao “Hiếu Đễ”. Có phải vì thế chăng mà cuộc sống tuy còn nghèo khó nhưng nhà nhà hòa thuận, xóm làng bình yên.
Xã hội bây giờ đã phát triển vượt bậc về nhiều mặt, cả vật chất lẫn tinh thần. Nhiều người đã trở nên khá giả. Nhiều kẻ khá giả rồi rồi vẫn tiếp tục cầu xin có thêm nhiều “Lộc” nữa, như vậy cũng không nằm ngoài lẽ thường tình. Cái bất thường, “Cái đáng lo ngại là cái ác đang diễn ra một cách hồn nhiên, vô tư như thử đó không còn là cái ác nữa” (Cao Huy Thuần). Ngày nay chúng ta đã phải chứng kiến quá nhiều những điều tưởng như không thể xảy ra: con giết cha mẹ, em giết anh, vợ giết chồng... và ngược lại.
Tại sao như vậy? Phải chăng vì chúng ta đã quên mất việc giáo dục lòng hiếu đễ? Trong gia đình không biết “nhường”, ngoài xã hội “nhường” lại càng là một thứ “xa xỉ”. Muốn “nhường” thì phải xuất phát từ tình thương, phải là người “biết tự chủ”. Mỗi khi con người không còn tình thương mà chỉ còn lại lòng tham và sự vô cảm thì cái ác sẽ lên ngôi.
“Hiếu Đễ” là những đức tính căn bản để làm người và phải được giáo dục từ mỗi gia đình, bởi gia đình luôn luôn là trụ cột của giáo dục.
Học “Hiếu Đễ” chính là để biết kính nhường, để bớt đi sự tham lam, giành giật, bớt đi cái ác vậy!
Trương Thị Hiền
Ý kiến bạn đọc