Món gỏi cá chình Bình Định
Bình Định được xem là nơi có món gỏi cá chình nổi tiếng vào loại nhất nước. Là địa phương có nhiều ao, đầm nên Bình Định đã tạo môi trường sống thuận lợi cho nhiều loài cá đặc sản, trong đó có cá chình thịt thơm ngon nức tiếng. Cá chình có thể chế biến nhiều món khác nhau, nhưng người dân bản địa và cả thực khách đều khoái khẩu nhất với món gỏi cá chình, đặc biệt là cá chình ở đầm nươc lợ Trà Ô của huyện Phù Mỹ, cách thành phố Quy Nhơn về hướng Bắc khoảng 40km.
Cá chình có hai loại chính: chình bông và chình mun. Sự khác nhau giữa hai loại này là chình bông nhỏ con hơn, da sáng và có nhiều đốm sẫm; trong khi đó da cá chình mun có màu đen láng. Cả hai loại cá chình này cung cấp thực phẩm quanh năm cho các nhà hàng, quán ăn trong và ngoài tỉnh, mà thời kỳ thu hoạch cao độ nhất là vào mùa hè nắng khô lúc ao đầm đều tát cạn nước.
Sau khi mua cá chình tươi sống mang về, người ta đem nhúng cá vào nước sôi, lấy dao nạo hết lớp bùn nhớt bám ngoài da cá. Sau đó, lấy dao thật bén bóc lấy từng thớ thịt. Đây là giai đoạn làm cá đòi hỏi sự khéo tay, phải bóc xuôi từ đầu xuống đuôi sao cho thật đều và khéo, tránh để miếng thịt cá quá lớn hoặc quá nhỏ sẽ làm miếng gỏi sau khi trộn không được như ý.
Thịt cá chình bóc xong, người ta đem ngâm vào nước phèn chua khoảng độ mười lăm phút, sau đó vớt ra rổ để cho khô ráo. Tiếp theo là vắt nước chanh tươi vào cho cá tái, tiếp tục cho nước mắm ngon, đậu phụng rang giòn đã giã dập, chuối chát xắt mỏng, bột ngọt, ớt, đặc biệt là rau thơm các loại vào trộn thật đều cho đến lúc thấy vừa ý là được. Lúc trộn thịt cá với các loại gia vị, đòi hỏi người làm phải thật tinh tường để cho món gỏi thật sự vừa ăn, tránh quá mặn hay quá nhạt, điều quan trọng phải bảo đảm cho món gỏi không vụn nát.
Gỏi cá chình Bình Định được xúc ăn với bánh tráng nướng, đồng thời chấm cùng nước mắm ngon giã gừng thật tuyệt hảo.
Vinh Hồng
Ý kiến bạn đọc