Multimedia Đọc Báo in

Đôi điều về văn hóa sử dụng điện thoại di động

02:33, 16/06/2013

Đất nước ta ngày một phát triển, đời sống của người dân được nâng lên và nhu cầu trao đổi thông tin ngày càng nhiều. Điện thoại di động (ĐTDĐ) là một trong những phương tiện giúp cho con người trao đổi thông tin một cách kịp thời, nhanh chóng. Tuy nhiên việc sử dụng di động một cách hiệu quả, có văn hóa vẫn còn là điều đáng bàn.

Hiện nay vẫn còn có không ít người mặc nhiên sử dụng ĐTDĐ ở mọi lúc, mọi nơi như lớp học, nơi làm việc, lớp tập huấn… Thông thường khi bắt đầu làm việc các đơn vị đều có ra quy định cụ thể và trong đó có điều “không được sử dụng ĐTDĐ trong giờ làm việc, cuộc họp… Nếu ai có sử dụng ĐTDĐ thì yêu cầu tắt máy hoặc chuyển sang chế độ rung”. Dù là vậy, nhưng thực tế vẫn còn không ít người ngang nhiên sử dụng điện thoại khi đã được nhắc nhở trước đó.  Có nhiều trường hợp, trong một cuộc họp ở cơ quan, đơn vị, mọi người đang chăm chú theo dõi thì bỗng điện thoại của một ai đó reo vang, theo phản xạ tự nhiên tất cả đều tạm dừng theo dõi và mất sự tập trung để quan sát.

Có thể nói, việc sử dụng ĐTDĐ có văn hóa thể hiện sự tôn trọng của bản thân đối với những người xung quanh. Sử dụng ĐTDĐ phải bảo đảm đúng lúc, đúng nơi, không làm ảnh hưởng đến người khác. Chẳng hạn, trong giờ làm việc thì nên tắt chuông, để chế độ rung và khi có ai gọi thì đi ra bên ngoài để nghe. Hơn nữa, nên hiểu ĐTDĐ là một công cụ để giúp con người thực hiện trong giao tiếp khi cần thiết, không nên quá lạm dụng nó vào những việc vô bổ như nhá máy, gọi trêu ghẹo người khác…

Bên cạnh đó, người sử dụng ĐTDĐ có văn hóa sẽ bảo đảm được an toàn khi lưu thông trên đường. Đó là trong những trường hợp đang chạy xe trên đường, bỗng có điện thoại gọi đến hay tin nhắn thì người sử dụng điện thoại phải tạm dừng xe ở bên lề đường để thực hiện cuộc gọi hay nhắn tin. Thực tế hiện nay có một số người vẫn còn thói quen vừa điều khiển xe bằng một tay và tay còn lại sử dụng điện thoại. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây tai nạn giao thông.

Thiết nghĩ, việc sử dụng ĐTDĐ là nhu cầu cần thiết của con người, nhưng nên sử dụng điện thoại một cách có văn hóa, tạo sự lịch thiệp trong giao tiếp cũng như việc tôn trọng người khác.

Nguyễn Văn Dô


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.