Multimedia Đọc Báo in

Khi đám đông “nổi giận”

02:34, 16/06/2013

Khoảng chừng vài năm trở lại đây đã diễn ra nhiều vụ việc người dân vây bắt, đốt xe, đánh người trộm chó dẫn tới tử vong. Gần đây nhất, vụ xảy ra tại địa bàn xóm 3, xã Tân Thành, huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) vào ngày 10-6 là một trong số rất nhiều vụ việc tương tự.

Như các vụ việc trước đó, các cơ quan chức năng rồi sẽ phải vào cuộc. Một bộ máy cơ quan công quyền sẽ phải vận hành và mất nhiều thời gian để khởi tố, điều tra, xem xét, xử lý...

Dù gì đi nữa, việc cả đám đông quây đánh người trộm chó đến chết là hành động coi thường pháp luật nghiêm trọng, không thể chấp nhận được. Không thể dùng hành vi phạm pháp để tự xử lý một hành vi vi phạm pháp luật khác. Hẳn rằng người dân cũng biết việc nên làm là sau khi khống chế đối tượng, cần giao nộp kẻ gian cho cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý. Vì làm như vậy vừa đúng quy định pháp luật, vừa tránh để bản thân mình trở thành kẻ vi phạm pháp luật và có thể sẽ bị xử phạt nặng.

Nhưng vì sao mà thời gian qua, có đến hàng chục vụ các đối tượng trộm chó bị người dân đốt xe, đánh nhừ tử, thậm chí bị bỏ mạng. Thực trạng này cho thấy chúng ta cần nhìn nhận về vấn nạn này một cách thấu đáo để có những điều chỉnh phù hợp. Trong mọi trường hợp, đừng bao giờ  để người dân mất niềm tin, dẫn tới cả đám đông nổi giận và tự giải quyết lấy sự việc.

Xét về giá trị kinh tế, một con chó thường có giá trị không lớn lắm. Nhưng đối với người dân, chó không chỉ là tài sản, là vật nuôi bình thường mà loài vật trung thành này có vai trò rất lớn đối với đời sống sinh hoạt thường ngày của họ: giữ nhà, giúp việc, mang lại niềm vui cho chủ nhà… Vì vậy, việc người dân liên tục mất trộm chó không chỉ là việc người dân mất tài sản mà còn bị xáo trộn trong đời sống, thậm chí hoang mang, lo ngại cho sự an toàn của bản thân, gia đình và cộng đồng.

Nạn trộm (thậm chí là cướp) chó từ lâu đã diễn ra trong khắp các khu dân cư từ thành thị đến nông thôn và càng ngày càng gia tăng cả về số vụ việc lẫn mức độ liều lĩnh, trắng trợn. Đó là chưa kể, bọn trộm chó ngày càng manh động, chúng sẵn sàng chống lại người truy đuổi bằng hung khí dẫn tới những hậu quả khôn lường. Nhưng thực tế, kẻ trộm chó sau khi bị bắt và được giao nộp cho cơ quan chức năng thì thường chỉ bị xử lý hành chính rồi thả về. Nếu có bị xử lý hình sự theo luật pháp thì với hành vi trộm cắp, dưới cái nhìn của người dân được xem là quá nhẹ.

Việc rất đông người dân chặn tất cả các ngả đường, vây bắt, đánh đập, thậm chí ngăn cản lực lượng chức năng đưa kẻ trộm chó đi cấp cứu cho thấy phản ứng của người dân đối với hành vi trộm chó là rất mạnh. Hiện tượng này cho thấy có thể người dân đã không hài lòng trước kết quả xử lý từ phía cơ quan chức năng. Họ tin rằng để người dân “tự xử”, nạn trộm chó may chăng mới được giảm bớt.

Suy cho cùng, luật pháp và chuẩn mực xã hội nói chung nhắm đến mục đích cao nhất là tổ chức cho con người thực hiện quyền tự do của mình trong một trật tự chung. Đặc biệt là để ngăn không cho con người sử dụng quyền một cách thái quá, cực đoan, trở nên tùy tiện, lộng hành, gây mất trật tự, thậm chí nguy hiểm đối với cộng đồng.

Nhưng vì sao, xã hội có chuẩn mực mà vẫn xuất hiện những hành vi lệch chuẩn? Tại sao trong những trường hợp cả người dân đánh “hội đồng” kẻ ăn trộm chó lẫn người đi ăn trộm đều biết hành vi của mình là vi phạm luật pháp nhưng vẫn thực hiện? Vấn đề của nhà chức trách và cơ quan chức năng là phải tìm ra nguyên nhân gốc rễ của nó để có những điều chỉnh thích hợp. Có thể có nguyên nhân từ người thực thi công vụ không nghiêm; có thể có nguyên nhân lòng tin bị suy giảm nhưng cũng không loại trừ là luật pháp chưa phù hợp với thực tiễn. Và như vậy, việc xem xét để có sự điều chỉnh luật pháp cũng là vấn đề cần phải được đặt ra một cách nghiêm túc.

Cũng từ câu chuyện “đám đông nổi giận” tự xử kẻ trộm chó sẽ cho chúng ta cái nhìn rộng hơn đến việc giải quyết các vấn đề bức xúc của cuộc sống ngày hôm nay.

Trương Thị Hiền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.