Multimedia Đọc Báo in

Kỷ niệm tuổi thơ

Hoài niệm ao quê mùa hè

10:16, 24/06/2013

Ở mỗi làng quê thường có rất nhiều ao, hồ, đầm, phá, sông, ngòi, mương, máng và đó chính là những chốn mà trẻ con thường tụ tập để tắm táp, bơi lội mỗi khi hè tới. Ở thành phố, thị xã thì còn có bể bơi, các trung tâm bơi lội, chứ ở quê thì chỉ có những chốn chứa nước nôi ấy mới làm cho bọn trẻ thỏa chí vẫy vùng để xua đi cái oi nồng nóng bức.

 Minh  họa: Trà My
Minh họa: Trà My

Quê tôi không gần sông, cũng chẳng có đầm phá, hồ lớn…, mà chỉ có những cái ao ở trong làng. Theo như các bậc cao niên kể lại thì làng tôi vốn khởi thủy là vùng đất trũng nên khi lập làng lập ấp các thế hệ cha ông đã phải đào nhiều ao để lấy đất vực lên nền mà xây nhà dựng cửa, làm đường dân sinh, các công trình phúc lợi công cộng… Chính vì lẽ đó nên đã hình thành nên rất nhiều cái ao với kích cỡ lớn, nhỏ khác nhau. Hầu như xóm nào cũng phải có dăm, ba cái ao. Ao thường là sở hữu chung của làng, của xã, của xóm dùng làm nơi các hộ sống ở xung quanh thả bèo hoa dâu, bèo Nhật Bản làm thức ăn chăn nuôi lợn.

Cũng có hộ lại sở hữu cái ao riêng ngay tại mảnh đất nhà mình. Tuy nhiên, với những ao riêng đó thì chúng không được to, rộng bằng ao của xóm, của làng, mà chỉ cỡ một vài trăm mét vuông là cùng.

Chức năng chính của những cái ao làng đó là, ngoài việc thả bèo dùng cho chăn nuôi thì xã thường cho đấu thầu chăn thả cá để cải thiện đời sống sinh hoạt cho nhân dân qua các vụ thu hoạch đánh bắt cá định kỳ. Nếu là ao của riêng các gia đình thì ngoài việc thả bèo, nuôi cá ra hầu như hộ nào cũng quây thêm khoảng hàng rào tre đan thưa để nuôi vịt, nuôi ngan lấy thịt, lấy trứng. Ao quê không chỉ nhiều tiện ích về kinh tế mà chúng còn được ví như những chiếc “mắt của làng”, những “lá phổi xanh” điều hòa dưỡng khí cho môi trường sống của cư dân.

Với những đứa trẻ quê, như đã nói thì  ao quê chính là chốn thích thú để chúng tắm mát mỗi khi hè tới. Tuổi thơ tôi cũng có những năm tháng được đắm mình trong làn nước mát nơi ao Đình ngay đầu xóm Đông. Ao Đình rộng lắm, rộng dễ đến vài mẫu mà đứng từ bờ bên này chúng tôi chơi trò thi ném mảnh ngói xem ai ném xa nhất cũng không thể tới được bờ bên kia. Cái ao này chỉ được phép thả bèo một nửa, và nửa còn lại bỏ trống dung cho cá có chỗ thở, vì vậy bọn trẻ trong xóm trưa hè nào cũng nhào ra ao chọn chỗ nước thoáng không có bèo đó để tắm, để bơi ì ùm. Một chiếc cầu ao 6 bậc gạch rộng hơn 5 mét được xây kiên cố để mọi người mang đồ ra rửa, quần áo, chăn, chiếu ra để giặt giũ. Ao khá sâu, nhưng từ cầu ao ra thoai thoải nên nếu đứa nào không biết bơi, hoặc chưa bơi thạo có thể chỉ tắm men ven bờ mà không sợ chết đuối. Thế nhưng, thường là trẻ quê đứa nào cũng nhanh chóng biết bơi giỏi qua vài bữa tập theo nhau. Vì vậy mà tại cái ao Đình ấy suốt những năm tháng tuổi thơ tôi chưa từng phải chứng kiến một vụ chết đuối thương tâm nào cả. Tôi là đứa trẻ khá tinh ngịch, hiếu động nên chỉ theo mấy anh hàng xóm đi ra ao bơi có 3 bữa mà đã bơi thạo lắm. Ngày vào lớp 4 mà tôi đã bơi qua đến nửa ao rồi quay lại bờ. Đi tắm, đi bơi ham mê lắm, chẳng vậy mà hầu như trưa nào bọn trẻ chúng tôi cũng trốn ngủ trưa để ra ao tắm. Có những đứa do bố mẹ cấm ra ao bơi vì sợ chết đuối, thậm chí còn đánh đòn nếu bắt được, nhưng chỉ được vài bữa là chúng lại lén đợi bố mẹ ngủ trưa để ra ao bơi.

Năm vào cấp 3 phải xa nhà và trọ học tại trường huyện xa xôi, mỗi tuần chỉ được về  nhà ngày cuối tuần thôi, nhưng tôi vẫn không từ  bỏ thú tắm ao mùa hè. Biết tôi về là mấy đứa bạn cùng trang lứa lại í ới gọi tôi ra ao Đình bơi buổi trưa. Tôi thích lắm, vì cả tuần mới được hòa mình trong làn nước ao quê trong xanh, mát rượi cùng bè bạn xóm giềng nên vùng vẫy có khi tới vài tiếng đồng hồ.

Ký ức tuổi thơ đã trở thành hoài niệm xa xăm trong tôi, nhưng hình ảnh của những chiếc ao quê, nhất là ao Đình đầu xóm nơi tôi sinh ra và lớn lên luôn hằn sâu biết bao kỷ niệm đẹp đẽ của những buổi trưa hè oi ả tắm táp, bơi lội thỏa thích. Chẳng riêng gì ao Đình, mà hết thảy những con “mắt của làng” đều đã không còn do đà đô thị hóa nên người ta lấp đi hết để xây nhà dựng cửa để bán, để chia chác… Nhìn làng quê đổi mới với vóc dáng của hiện đại giàu có và lòng tôi ít nhiều chộn rộn niềm vui, song cũng ẩn hiện chút buồn vì ký ức tuổi thơ về ao làng đã bị chôn vùi và chẳng bao giờ có thể tìm lại được nữa…

Nguyễn Long


Ý kiến bạn đọc