Đua đòi và ganh ghét
Với không ít người, dường như họ luôn ngấm ngầm cuộc chạy đua với xung quanh; cứ thấy người khác có những thứ hơn mình, nhỏ như ti-vi tủ lạnh, lớn như nhà lầu xe hơi thì phải cố sắm cho được. Bởi đua đòi mà không ít người bất chấp tâm linh, sẵn sàng đập nhà thờ họ, lăng mộ tổ tiên để xây lại cho hoành tráng, quyết không “thua chị kém em”.
Cạnh nhà tôi, có một ông nghỉ hưu, thấy người xung quanh sắm ô tô, ông cũng tích góp vay mượn mua một chiếc. Vốn không rành về xe nên ông bị lừa, mua phải chiếc xe cũ nát với giá trên trời. Và nữa, ông không biết lái xe nên thỉnh thoảng thuê tài xế đưa đi dạo phố mấy vòng, cũng có ý khoe của với thiên hạ rồi phủ bạt, cất. Xe không dùng nên nhanh xuống cấp, đưa ra dùng thì tốn nhiều khoản phụ phí đi kèm nên ông mua xe chủ yếu để… ngắm và lau chùi. Thế là vợ chồng hục hặc, bà cứ trách ông vì muốn “giải quyết khâu oai” mà bỏ gần 400 triệu để “rước” thứ “của nợ” kia về.
Đặc biệt, đua đòi đi cùng ganh ghét; lắm kẻ thấy người khác hơn mình là tị hiềm, chọc ngoáy, chí ít cũng tỏ ra khó chịu. Lắm khi sự thành công của người này lại làm nảy mầm ganh ghét của người kia. Người viết từng chứng kiến, hai gia đình ở gần nhau vốn thân thiết nhưng khi một người làm nhà mới to đẹp hơn liền bị người kia kê kích, đặt điều nói xấu. Nhưng khi người kia làm nhà hoành tráng nhất khu phố thì liền chủ động “hòa giải” với nhà bên bởi giờ đã là “đẳng cấp” “cành cao”, bởi ham muốn hơn người đã được thỏa mãn… Sự đua đòi khiến người ta ganh ghét, sự ganh ghét lắm khi biến người ta thành ác độc. Thế mới sinh chuyện, có những người vốn là bạn thân nhưng khi người kia thành đạt liền bị chính bạn mình “ném đá sau lưng” để cản trở, gây hại. Chưa cần biết thiệt hại cho ai, nhưng việc đua đòi đã làm khổ, làm méo mó chính những người mang tính cách ấy; vậy nên cần tránh lắm thay.
Nguyễn Trọng Hoạt
Ý kiến bạn đọc