Khi tự tử không còn là vấn đề cá nhân
Hành vi tự tử vốn là hành vi cá nhân và hiện tượng tự tử vì thế là hiện tượng cá nhân. Nhìn từ khía cạnh tâm lý, các nguyên nhân thuộc về “các sự kiện căng thẳng trong cuộc sống” dẫn tới sự mất thăng bằng về tâm lý thường được đưa ra như là nguyên nhân dẫn tới tự tử, chẳng hạn: bất đồng với người thân, kết thúc tình yêu, khó khăn về nơi ở, khủng hoảng về tài chính…
Nhìn ở khía cạnh khác, có thể thấy, ở các điều kiện xã hội khác nhau thì các kiểu tự tử, tỷ lệ tự tử, tần suất tự tử… khác nhau. Do vậy, hiện tượng tự tử là hiện tượng xã hội. Ví dụ, chúng ta thấy rõ ràng là số người tự tử tăng cao sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998 và tái diễn sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 10 năm sau đó. Nguyên nhân được cho là có liên quan trực tiếp tới tình trạng thất nghiệp sau 2 cuộc khủng hoảng tài chính. Hay như ở Mỹ, theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), có 38.350 người Mỹ tự sát trong năm 2010. Và việc suy thoái kinh tế kéo theo khủng hoảng thế chấp, thị trường nhà đất suy sụp, thất nghiệp hàng loạt chính là nguyên nhân dẫn tới hiện tượng tự tử ở nhóm tuổi trung niên. Vì vậy, nếu như trước đây, những nỗ lực ngăn ngừa tự tử thường được tập trung vào nhóm thiếu niên và người già – những người dễ bị tổn thương về tâm lý thì gần đây, người ta tập trung quan tâm tới nhóm tuổi trung niên - nhóm bị tổn thương nặng nhất bởi các khủng hoảng tài chính.
Nếu nhìn tự tử như một hiện tượng xã hội, tự tử thường được nhìn nhận trong mối quan hệ với sự gắn kết, hội nhập xã hội. Theo đó, tự tử có thể sẽ xảy ra khi cá nhân hòa nhập xã hội kém và cho rằng mình bị bỏ rơi, không được quan tâm, từ đó chọn cái chết vì thấy cuộc sống chẳng còn ý nghĩa. Cũng có khi cá nhân lựa chọn cái chết vì nhận thức cái chết của bản thân có ý nghĩa với người khác, đến mức sẵn sàng quên đi mạng sống của bản thân. Đồng thời, hiện tượng tự tử thường được cho là trở nên phổ biến hơn ở những giai đoạn xã hội mà cá nhân bị khủng hoảng niềm tin, mất định hướng giá trị.
Thế thì, những vụ tự tử liên tục gần đây cho thấy cần thiết phải nhìn nhận rằng, tự tử không chỉ liên quan sự bế tắc của cá nhân mà còn hàm chứa vấn đề mang tính xã hội. Do đó, cá nhân cần được giáo dục về kỹ năng ứng phó, đương đầu khi rơi vào trạng thái mất thăng bằng về tâm lý. Nhưng hơn thế nữa, xã hội còn phải thiết lập được các điều kiện để giúp cá nhân nắm bắt được các cơ hội cũng như đối mặt với những thách thức và giải quyết được các khủng hoảng từ quá trình hội nhập xã hội đang được cho là diễn ra mạnh mẽ trong giai đoạn hiện nay.
Trương Thị Hiền
Ý kiến bạn đọc