Multimedia Đọc Báo in

Thương nhớ tập tàng

09:32, 26/06/2017

Rau tập tàng thuộc hàng nhà quê chân chất, bình dị đến tầm thường thế nhưng nó là linh hồn của những mâm cơm quê đạm bạc, chỉ cốt no lòng.

Người quê không ai là không biết rau tập tàng, thậm chí họ còn biết để ăn với mắm kho quẹt hay lẩu thì cần phải có loại rau gì thích hợp chứ không thể bạ đâu vơ đấy. Món ăn của họ ngon là thế, nhưng người thị thành khó biết nên dù chỉ một lần thưởng thức cũng đủ làm cho họ nhớ hoài.

Là loại rau quê dân dã nhưng là món quà của tạo hóa ban không cho cư dân miệt đồng. Thiên nhiên luôn công bằng bởi người quê chân chất thì rau quê cũng phải chân chất. Không tốn công gieo trồng, chăm bón. Không phân tro, không chất tăng trưởng độc hại; rau tập tàng giờ không còn dân dã tí nào. Nó là lựa chọn số một trong những bữa tiệc thịnh soạn nơi phồn hoa đô hội, nơi chén rượu câu thơ không phải lúc nào cũng song hành nhưng nó khiến người ta luôn nhớ về thời thơ ấu nhiều thiếu thốn của mình. “Chỉ là một bát canh thôi/ mà anh đi tận cuối trời không quên/ Rau lang, rau dịu, rau dề/ tập tàng ngọt ánh mắt hiền em tôi/ Mặn mòi đất mẹ em ơi/ nuôi lúa lúa tốt nuôi người người duyên”. Người thành phố giờ thích về quê để được hít thở thứ không khí trong lành, ăn thứ rau quê dân dã. Để không phải: “Ước ao một bát canh thôi/Xa quê nhớ đất nhớ người mình yêu” thì cũng là lẽ thường tình.

Quên làm sao được rau tập tàng. Đó có thể là cần nước, đọt chọi, đọt xoài, dền, mã đề, rau lang, rau dịu, me đất, cải trời, sen, súng, tàu bay… dân dã thôi nhưng ngon đến xao lòng. Người quê vất vả, món ăn quê cũng gắn với phận người. Thương lắm chân lấm tay bùn suốt ngày lội ruộng nhưng khi về luôn có mớ rau tập tàng trong nón, trong tay.

Cảm ơn đất mẹ đã nuôi chúng con lớn khôn bằng nguồn sữa tinh khiết nhất của mình. Dù chỉ là món ăn bình thường nhưng sao hoài nhớ, hoài mong.

              Lý Thị Minh Châu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.