Multimedia Đọc Báo in

"Hãy cầm lấy và đọc"

06:45, 17/09/2017

Trong không khí khai giảng năm học mới, câu chuyện về xây dựng nền văn hóa đọc và phát triển năng lực tự học cho người học lại được đưa ra thảo luận trên các diễn đàn. Xin mượn tựa sách “Hãy cầm lấy và đọc” của Giáo sư Huỳnh Như Phương - một nhà nghiên cứu và giảng dạy văn học để đặt tên cho bài viết lạm bàn đôi điều về việc khơi gợi niềm vui đọc sách cho người học như là một hoạt động tích cực của gia đình, nhà trường và cộng đồng trong bối cảnh giáo dục Việt Nam hiện nay.

Về việc sách có vai trò như thế nào đối với chất lượng giáo dục, có lẽ không cần chứng minh thêm nữa.Vấn đề là làm thế nào để tạo hứng thú đọc sách nơi người học vì một lẽ đơn giản là nếu người học không biết, không thích tự đọc sách thì đừng nói chuyện đổi mới phương pháp dạy học.

Hầu như cha mẹ nào cũng mong muốn con mình ham đọc sách, có niềm vui sách vở. Hẳn nhiều người từng lo lắng khi con mình không thích đọc sách, nếu có thích thì chỉ là những cuốn truyện tranh. Nhưng muốn truyền tình yêu sách cho con thì bản thân cha mẹ cũng phải yêu sách. Thật vui và cảm động khi mỗi dịp vào năm học mới, đoạn văn của Thanh Tịnh mà nhiều thế hệ học trò đã thuộc nằm lòng với những câu văn trong sáng, từ vựng giản dị diễn tả tâm trạng một đứa bé trong buổi đầu tiên tới trường lại được nhiều bậc cha mẹ trích dẫn trên các diễn đàn như thể hiện sự đồng cảm với đứa con thân yêu của mình: “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường. Tôi quên thế nào được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cánh hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng...’’ (Thanh Tịnh, Tôi đi học, in trong tập Quê mẹ, 1941). Hơn cả niềm vui đưa con đi học buổi đầu là niềm hy vọng con sẽ học được và lớn lên, trưởng thành từ những trang sách. Sách mang lại sự liên kết giữa các thế hệ là vậy.

Để người học yêu quý, có niềm vui từ sách, ngoài nỗ lực từ gia đình thì cần lắm vai trò định hướng đọc sách từ phía giáo viên và nhà trường. Vì điều quan trọng không chỉ là việc bồi dưỡng thói quen đọc sách mà còn là ở cách đọc sách và cách chọn sách mà đọc. Và do vậy, nền văn hóa đọc cần được chuẩn bị công phu ngay từ lớp một ở trường phổ thông. Những câu nói “Sách này hay lắm, các em tìm đọc nhé”, hay “Các em về nói cha mẹ mua cuốn sách này đọc”… của giáo viên có lẽ là những lời hiệu quả nhất trong việc dẫn dắt học trò đến với sách hay.

Một giải pháp đã được thực hiện phổ biến ở các nước phát triển là, những ngày đầu năm học, giáo viên đưa ra một danh mục các cuốn sách mà học sinh cần đọc. Định kỳ, học sinh nộp lại nhật ký đọc. Và nhật ký đọc này được coi là một tiêu chí đánh giá kết quả học tập của học sinh. Yêu cầu về nhật ký đọc của nhà trường đã khuyến khích các bậc cha mẹ vào công việc chung của nhà trường là giáo dục ý thức và thói quen đọc sách cho trẻ em. Đây là một giải pháp mà các giáo viên ở Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện được nhằm hình thành thói quen đọc sách cho học sinh. Để kết quả được như GS Huỳnh Như Phương viết về ý nghĩa của việc đọc sách: “Hãy cầm lấy và đọc trong sự chọn lựa, cân nhắc, phê phán, so sánh, đối chứng và phá vỡ cực đoan. Đọc để tiêu hóa kiến thức, sáng tạo và đưa Chân lý, điều Thiện, cái Đẹp đi vào cuộc đời”, vấn đề không phải ở chỗ tủ sách của nhà mình có bao nhiêu quyển mà là mình đã được khơi gợi những gì từ những trang sách ấy: “Sách sinh ra không phải để được trưng bày, khoe của hay làm dáng. Sách cũng không nên trở thành một cổ vật rêu phong. Sách là để “lần giở trước đèn”. 

Trương Thị Hiền


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Ana nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh
Thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng ngành Y tế huyện Krông Ana đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ban đầu cho người dân, nhất là đối với tuyến y tế cơ sở.