Hấp dẫn món ngon từ rau bò khai
Rau bò khai có hình dáng khá giống ngọn su su nhưng mảnh và có màu xanh non hơn, dây giòn, dễ gãy. Rau còn có nhiều tên gọi khác như dã hiến, long châu sói, khau hương… Dù là loại rau dại đặc sản của một số tỉnh vùng núi phía Bắc nhưng giờ đây rau bò khai đã trở thành món ăn thường ngày trên mâm cơm của nhiều gia đình ở các buôn làng hay phố thị vùng cao nguyên Đắk Lắk.
Chị Đỗ Thu Hiền (sinh sống ở thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp) cho biết rau bò khai là món rau dại đặc sản ở miền quê Lạng Sơn của chị. Bò khai mọc tự nhiên ở bìa rừng, vách núi. Khi đi rẫy, bà con thường tranh thủ hái thêm gùi rau mang về chế biến thành món ăn. Đúng như tên gọi, món ăn này có mùi hơi… khai. Vì thế, khi chế biến, người ta sẽ phải vò qua lá rau cho bớt mùi khai. Các mẹ, các chị thường chỉ chọn những chiếc lá hoặc ngọn non mang vò kỹ, rửa sạch nấu canh. Hương vị của rau bò khai rất đặc biệt, không hề lẫn với các loại rau rừng khác.
Rau bò khai. |
Rau bò khai có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn. Như món rau bò khai xào với thịt bò, người ta rửa rau sạch, để ráo, đổ dầu vào chảo đun nóng phi tỏi thơm, cho thịt bò vào xào sơ rồi cho rau vào, thêm muối, mì chính xào nhanh tay là có ngay đĩa rau xanh mướt, thanh ngọt. Nhiều người dân lại ghiền món rau bò khai xào mì tôm. Mì tôm chần qua nước ấm cho mềm, phi hành thơm cho rau vào đảo đều nêm gia vị, đến khi rau chín tái thì cho mì vào trộn đều, thêm ít tiêu bột sẽ khiến món ăn thêm đậm đà.
Món rau bò khai xào thịt bò. |
Ngoài ăn vì ngon, nhiều người còn chuộng rau bò khai vì nó còn được dùng như một vị thuốc quý. Đồng bào miền núi thường lấy và sử dụng toàn thân cây bò khai: thân, cành lá còn tươi hoặc đã phơi khô để sắc nước uống chữa viêm gan do siêu vi thường gặp ở phụ nữ và trẻ em, viêm đường tiết niệu, tiểu tiện không thông hoặc dùng nước sắc cây bò khai đều đặn để tán sỏi ở người bị sỏi thận.
Dạ Yến Thảo
Ý kiến bạn đọc