Multimedia Đọc Báo in

Món bánh mật trong huyền tích Mẫu Âu Cơ

08:43, 05/04/2020

Theo truyền thống, trong mâm lễ vật dâng lên Tổ Mẫu Âu Cơ không thể thiếu món bánh mật. Đây là món bánh gắn liền với hành trình đi khai thiên phá thạch của Mẫu Âu Cơ cùng 49 người con khi dừng chân tại mảnh đất Hiền Lương (Hạ Hòa, Phú Thọ) đã lập trang ấp, dạy dân trồng lúa, trồng dâu, dệt vải.

Mẫu đã truyền dạy cho cư dân vùng này cách làm một thứ bánh mà nguyên liệu của nó gắn liền với đời sống nông nghiệp trồng lúa nước, đó là bánh mật.

Bánh mật, còn gọi là bánh chay được người dân làng Hiền Lương giữ công thức, lan tỏa sang các xã khác trên địa bàn huyện Hạ Hòa. Theo thời gian, công thức làm bánh mật chỉ còn số ít người lưu giữ, nhiều gia đình không còn giữ tục lệ làm bánh mật nữa. Vì thế, hiện nay, bánh mật rất ít được làm và bày bán ở chợ phiên hay dịp lễ tết. Bánh mật là thứ bánh có sự kết hợp tinh tế của các chất liệu, sự khéo léo của bàn tay người làm bánh và sự thảo thơm của tấm lòng người dân Hạ Hòa.

 

Bánh mật.
Bánh mật.

Nguyên liệu chính để làm bánh mật là bột nếp. Muốn có bánh ngon, người làm bánh phải lựa những giống gạo nếp trắng, tròn đều, dẻo thơm, không bị pha tạp bởi các loại gạo khác. Gạo nếp được xay nhuyễn thành bột bằng cối đá sau đó vắt hết nước. Phải làm như vậy bánh mới dẻo, mịn. Một nguyên liệu quan trọng nữa là mật mía. Phải là thứ mật giọt chứ không phải mật khô và đường đỏ. Nhân bánh được nấu từ đỗ xanh, mật mía thành chè kho. Lá để gói bánh là lá chuối tươi hoặc chuối khô. Khi làm bánh, bột gạo đã ráo nước được nhào đi nhào lại cho dẻo sau đó cho mật vào nhào đều, quyện hòa giữa bột gạo và mật mía. Nhân chè kho được đặt vào lòng chiếc bánh, sau đó bọc kín bột rồi mới gói lá chuối. Bánh dài khoảng một gang tay, bề mặt để khum khum như bánh dợm hoặc dẹt như bánh gai đều được. Sau khi gói xong, bánh mật được cho vào chõ xôi hấp chừng 30-45 phút là bánh chín đều.

Bánh mật để nguội bóc ra thưởng thức sẽ ngon nhất vì khi ấy lá bánh sẽ róc, không dính tay, bánh mịn, ngọt. Khi bóc ra, bánh mật có màu nâu đậm từ ngoài vào trong do có sự hòa quyện giữa bột gạo nếp với mật mía, có màu vàng tươi của nhân chè kho. Bề mặt bánh mịn đều. Bánh mật có vị thơm của gạo nếp hòa vào hương thơm nhẹ của mật mía. Khi ăn, bánh mật dẻo thơm hòa vào vị ngọt bùi của nhân chè kho, hương thơm đậm chất đồng quê của lá chuối khô.

Đối với cư dân nông nghiệp ở vùng quê đất Tổ Phú Thọ, bánh mật là thức bánh truyền thống, là sản phẩm độc đáo gắn với tập quán trồng lúa nước từ lâu đời. Vào dịp lễ hội đền Mẫu Âu Cơ, trong các đồ dâng cúng Tổ Mẫu, bánh mật là lễ vật đặc biệt, không thể thiếu, trở thành nét riêng độc đáo trong lễ hội này. Năm nào cũng vậy, dân làng đều chuẩn bị đúng 100 chiếc bánh mật để dâng lên, tượng trưng cho 100 người con của Mẹ Âu Cơ và Cha Lạc Long Quân.

Nguyễn Thế Lượng


Ý kiến bạn đọc