Multimedia Đọc Báo in

Độc lạ cá gỏi kiến vàng của người Rơ Măm

09:54, 02/10/2020

Cá gỏi kiến vàng là món ăn bổ dưỡng của đồng bào dân tộc Rơ Măm ở làng Le, xã Mo Rai, huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum).

Già A Blong ở làng Le (xã Mo Rai) cho biết: “Cá gỏi kiến vàng là món ăn truyền thống từ bao đời nay của người Rơ Măm. Ngày xưa, người Rơ Măm sống trong rừng, cuộc sống vô cùng cực khổ nên người ta chế biến ra món “cá gỏi kiến vàng”. Người dân lúc bấy giờ thường xuống suối bắt cá, tổ kiến vàng thì có sẵn trên cây trong rừng. Họ chế biến ăn tại chỗ, ăn kèm cùng các loại rau rừng. Qua bao đời, cá gỏi kiến vàng trở thành món ăn đặc trưng, không thể thiếu trong các ngày lễ quan trọng của làng và là đặc sản đãi khách quý từ xa tới”.

Theo anh A Khải (con trai già A Blong), muốn làm món cá gỏi kiến vàng ngon cần rất nhiều công đoạn và yêu cầu sự tỉ mỉ, phải chọn đúng loại cá. Người dân ở đây thường ra sông Sa Thầy bắt loài cá trắng để về chế biến. Nếu không đánh bắt được cá thì có thể mua cá trắm cỏ, cá diêu hồng… thay thế. Cá bắt về được lọc xương và rửa sạch, băm nhỏ, sau đó sẽ vắt nước để khử mùi tanh rồi mang ướp cùng các loại gia vị, thêm một chút tiêu rừng và thính gạo.

Cá đã được sơ chế cùng các gia vị.
Cá đã được sơ chế cùng các gia vị.

Bắt kiến cũng cần kỹ năng và đồng bào luôn chú ý tránh làm gãy cây rừng. Việc này không chỉ giúp bảo vệ cây cho rừng mà còn bảo vệ môi trường sống của kiến vàng. Người ta thường chọn tổ kiến non, nhiều trứng để làm tăng thêm hương vị ngọt của cá và ngầy ngậy, chua chua của trứng kiến. Tổ kiến bắt về được bỏ vào một chiếc nồi đựng cá ướp gia vị rồi trộn bóp kiến vào cùng với cá. Món cá gỏi kiến vàng thường được ăn kèm các loại rau rừng.

Chị Y Doan, người dân làng Le tự hào: “Đồng bào Rơ Măm có rất nhiều món ngon chế biến từ kiến như canh chua kiến, muối kiến… nhưng món cá gỏi kiến vàng được ưa chuộng nhất. Khi ăn sẽ cảm nhận được vị ngọt của cá, vị chua của kiến, vị béo ngậy của trứng kiến. Món ăn này đã giúp làng chúng tôi đoạt giải Ba trong một cuộc thi ẩm thực tại TP. Kon Tum đấy”.

Dạ Yến Thảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.