Multimedia Đọc Báo in

Nhớ món bún măng vịt ngày đông

08:45, 09/10/2020

Theo kinh nghiệm dân gian, vịt sống dưới nước có tính "âm và hàn" ăn vào mát, bổ dưỡng. Hơn nữa, vịt tháng mười, tháng mười một thịt rất ngon.

Giữa tiết trời ngày đông, mưa dầm, thịt vịt như thang thuốc bổ thượng hạng, có tác dụng điều hòa ngũ tạng, lợi thủy, trừ nhiệt, có giá trị dinh dưỡng cao nên rất nhiều người ưa chuộng.

Có thể đếm trên đầu ngón tay các món ngon từ thịt vịt. Món cháo vịt truyền thống thường để bồi dưỡng cho người già đau ốm, trẻ nhỏ chậm lớn. Những lúc chán cơm gặp món vịt um sả ớt lại tranh nhau vét cạn đáy nồi. Sau ngày đồng áng mệt mỏi có đĩa vịt xào măng nhâm nhi ly rượu gạo thì thật tuyệt vời hơn. Ngày nay, khi kinh tế khá dần, để chiều lòng chồng con, các nhà nội tướng đã biến tấu vịt thành những món không những ngon mà còn “đã mắt” như vịt quay, vịt rán, hông... và không thể thiếu món bún măng vịt. Một tô bún nóng hổi bốc hơi với những lát thịt vịt thơm lừng, những cọng măng trắng sần sật, điểm thêm vài lát ớt cay, hòa trong chất ngọt đậm đà của nước mắm gừng tỏi. Chỉ thế thôi mà bún măng vịt đã trở thành nỗi nhớ của người con xa quê mỗi khi đông về.

Hấp dẫn tô bún măng vịt.
Hấp dẫn tô bún măng vịt.

Không nằm ngoài quy luật vịt phải "ăn già" tức đã trưởng thành, để món bún măng vịt đạt chuẩn thì phải chọn vịt nuôi từ 6 tháng trở lên, không ăn non như gà. Vịt sau khi đã qua các công đoạn cắt tiết, làm lông, rửa sạch tiếp tục pha một ít rượu, muối, nước cốt chanh để rửa vịt lần nữa. Nếu cẩn thận còn có thể dùng tay lấy phần gừng tươi đập dập rồi chà xát lên toàn bộ thân vịt trong khoảng vài phút sau đó rửa sạch lại với nước. Để bún măng vịt ngon thơm hơn, cho vịt vào chần qua với nước sôi, thêm vài lát gừng hoặc sả cây. Vịt sau khi chần xong, chặt  thành từng miếng vừa ăn rồi cho vào tô lớn, nêm nếm với hạt nêm, đường, bột ngọt rồi trộn đều, ướp hơn 30 phút. Bắc một chảo lớn lên bếp khử thơm dầu phộng với hành, tỏi băm, nhanh tay cho măng vào xào. Măng đã luộc chín nên chỉ cần xào sơ khoảng vài phút cho măng thấm dầu và gia vị là được. Trút hết phần măng vừa xào, thịt vịt đã thấm gia vị vào nồi nước luộc vịt, đảo nhẹ, cho thêm tiết vịt đã cắt miếng. Nấu sôi nồi nước thịt, nêm nếm gia vị lại một lần nữa. Cuối cùng cho bún ra tô, múc nước có cả măng, thịt vịt, rắc thêm chút hành lá, rau mùi thái nhỏ và hạt tiêu.

Bún măng vịt được điểm cộng so với các món khác chính là sự kết hợp độc đáo giữa bún tươi, thịt vịt, măng chua và các loại gia vị thường dùng. Húp tô bún nóng, mồ hôi lấm tấm trên trán, mọi cảm giác mệt mỏi ngày đông se se lạnh dường như tan biến.

                                                              Thanh Ly


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.