Multimedia Đọc Báo in

Những mùa bắp tuổi thơ

09:10, 08/11/2020

Sáng sớm, ngang qua góc phố, thấy hàng bắp luộc xúm xít người vây quanh. Chiều muộn, đường phố mới lên đèn đã thấy trên vỉa hè lập lòe lò than đỏ, mùi bắp nướng thơm lừng theo gió. Ký ức những mùa bắp tuổi thơ chợt ùa về.

Miền núi quê tôi, bắp được trồng nhiều ở ven núi, nơi đồi cao, ngoài nương gần, trên rẫy xa... Vào mùa, trong bản ngoài làng đâu cũng thấy bắp. Thường cuối tháng 4, đầu tháng 5, sau những cơn mưa đầu mùa là bước vào vụ gieo trồng. Nhà nhà lên nương phát cây dọn cỏ, cuốc hốc tra hạt. Mồ hôi nhỏ giọt theo mỗi nhát cuốc bổ xuống. Có câu “Một hạt thóc vàng chín giọt mồ hôi”, hạt bắp quê tôi cũng vậy, cũng vất vả khó nhọc lắm.

Cây bắp lớn dần theo những ngày “một nắng hai sương”. Bắt đầu là những trái bắp non được các mẹ, các chị chọn hái đem về sau những buổi làm. Nói là bắp non nhưng thực ra là bắp đã vừa độ luộc. Những trái bắp còn nguyên lớp vỏ xanh, căng đầy, chắc nịch. Sau lớp vỏ xanh tươi ấy là những hạt bắp trắng mẩy, mọng sữa, từng hàng từng hàng đều tăm tắp, nhìn thấy là thèm. Bắp để nướng, bắp để luộc. Lũ trẻ háo hức vây quanh bếp lửa. Bữa tối, có đứa chỉ ăn qua loa bát cơm để còn dành bụng ăn bắp luộc. Bắp đầu mùa sao mà dẻo mà ngọt.

Mùa này, người Tày, Nùng quê tôi còn có món bánh bắp. Bánh bắp được làm bằng bắp đỏ (bắp tẻ). Chọn những trái bắp không non cũng không già để làm vì bắp non thì ít tinh bột, ăn sẽ nhạt; bắp già thì bột bánh sẽ không mịn, ăn vừa thô vừa bở. Bắp bẻ về đem lột vỏ, tẽ hạt ngay cho tươi. Ngâm nước khoảng một, hai giờ đồng hồ rồi đem xay trong cối đá. Những hạt bắp vàng mọng nước được xay thành một thứ bột sền sệt, đặc sánh; sau đó cho bột vào trong túi vải, treo lên cho róc bớt nước để bột dẻo quánh lại. Bột được chia thành từng phần nhỏ, gói bằng lá chuối tươi như gói bánh gai rồi đem hấp, chừng tàn một tuần hương là được. Bánh bắp màu vàng nhạt, mịn màng, mềm mượt. Bánh không nhân, ăn dẻo và ngọt. Vị dẻo ngọt tự nhiên, chân chất của bắp tươi, vừa mát lành vừa thơm lại rất bùi. Ăn tới no mà không ngấy.

 

Thơm ngon bắp nướng. Ảnh: M.Sơn 
Thơm ngon bắp nướng. 

Vào mùa bẻ bắp, tới nhà nào cũng chỉ thấy toàn là bắp. Bắp chất từng đống trên sàn nhà, từng đống dưới mái hiên. Rồi bắp được phân loại ra, phần đem chất lên gác bếp để dùng dần, phần được tẽ hạt đem phơi khô cho lợn gà ăn. Gác bếp của người Tày, Nùng là căn gác lửng lát bằng tre hoặc vầu, được làm ngay phía trên nơi đun nấu, hơi lửa hơi khói xông lên, bắp để trên đó cả năm cũng không lo mối mọt. Đến chơi nhà nhau, chỉ cần nhìn cái gác bếp, thấy bắp xếp đều chằn chặn đầy lên đến mái; lợn núc níc nằm phơi bụng ngáy trong chuồng, gà từng bầy cục tác ngoài sân… là biết chủ nhà vụ ấy được mùa.

Với bọn trẻ con chúng tôi ngày ấy, mùa bắp là mùa tha hồ ăn vặt. Hết bắp luộc, bắp nướng lại đến bắp rang. Đi chăn trâu, đi chơi túi đứa nào cũng căng đầy bắp rang. Cứ túm tụm ngồi ăn với nhau, vừa nhai rau ráu vừa trò chuyện rôm rả. Bắp nếp (bắp trắng) luộc chín rồi tẽ ra từng hạt đem phơi khô, cất vào hũ để dành. Lúc nào thèm thì đem rang, tra thêm chút mỡ chút muối, hạt bắp ăn cứ giòn tan trong miệng, vừa thơm vừa bùi. Thỉnh thoảng, lại được mẹ làm cho món bắp hầm hay xôi bắp, cũng thật ngon lành.

Tháng ba ngày tám, những ngày giáp hạt, khi thóc trong bồ đã hết, lúa ngoài đồng vẫn chưa được gặt, hạt bắp trở thành cứu cánh của nhiều gia đình. Bắp được xay trong cối đá cho ra một thứ bột vàng ươm, mịn màng. Bột bắp được đem quấy thành cháo, người quê tôi gọi là cháo bẹ. Bát cháo bẹ đặc quánh, vàng sánh bốc khói nghi ngút có vị ngọt thanh thanh, thơm thơm, bùi bùi… Lại còn có món bắp đồ, là phần bắp được xay nhỏ như hạt tấm, ngâm cho mọng nước rồi đem đồ như đồ xôi. Khi ăn thêm chút mắm mỡ rưới vào thì càng ngon miệng. Hạt bắp đã giúp người dân quê tôi vượt qua những ngày tháng cơ cực như thế.

Bây giờ, cuộc sống no đủ, bắp chỉ là một thứ quà vặt, một món ăn chơi nhưng bán rất đắt hàng. Ở thành phố, với nhiều người bắp còn được coi như món quà đặc biệt để đãi nhau. Cũng phải thôi, một khi bữa ăn hằng ngày chỉ toàn thịt cá thì người ta càng thèm những thức ăn dân dã của đồng quê. Với tôi, những trái bắp mộc mạc kia khiến tôi lại nhớ những ngày tháng đã xa, những kỷ niệm của một thời ấu thơ tươi đẹp nhưng cũng đầy gian khó.

Hoàng Minh Sơn

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.