Multimedia Đọc Báo in

Thưởng thức cá hồi trên non cao

05:45, 15/11/2020

Lên non cao thưởng thức cá hồi là một sản phẩm du lịch độc đáo cho du khách khi đến với Sa Pa (tỉnh Lào Cai).

Trong tiết trời se lạnh giữa mây núi giăng mờ sương khói trên độ cao gần 2.000 m so với mặt nước biển, du khách có những trải nghiệm thú vị dưới chân Thác Bạc - một trong những nơi hiếm hoi nuôi được cá hồi, loài cá nước lạnh trước đây chỉ có ở xứ ôn đới.

Món ăn từ cá hồi Sa Pa.
 

 

Món ăn từ cá hồi Sa Pa.
Món ăn từ cá hồi Sa Pa.

Đến nhà hàng Thác Bạc, điều thú vị trước hết là được tham quan những hồ cá nằm lọt thỏm giữa khu vườn hoa xứ lạnh bạt ngàn hương sắc, tận mắt ngắm nhìn, tận tay khua khoắng theo đàn cá hồi lượn lờ trong làn nước hồ trong vắt lạnh tê.

Chủ những hồ nhân tạo này cho hay, đặc điểm sinh tồn của cá hồi là sống trong môi trường “nước động”, nhiệt độ thấp dưới 15 độ nên nước trong các hồ đều được dẫn trực tiếp theo đường ống từ Thác Bạc về. Nhờ được nuôi hoàn toàn trong nguồn nước lạnh tự nhiên, nên cá hồi ở đây có thịt rất lành và thơm ngon, bổ dưỡng. Tất nhiên, để chế biến thành những món ăn hấp dẫn, thu hút thực khách còn cả một quá trình chế biến kỳ công. Chỉ riêng việc vớt con cá đang bơi lên khỏi làn nước lạnh trong vắt chảy về từ trên núi cao, khéo léo sơ chế sao cho thịt cá phô diễn hết màu sắc và hương vị đã là cả một nghệ thuật.

Qua bàn tay tài hoa của các đầu bếp, đến khi lên bàn tiệc sản phẩm cá hồi không đơn thuần là một món ăn nữa mà thực sự là một tác phẩm nghệ thuật được bài trí công phu, mà nổi bật nhất là dĩa thịt cá phi lê tươi hồng bên cạnh rổ rau rừng tươi xanh, kèm theo vô số gia vị, kích thích cả thị giác, vị giác lẫn khứu giác.

Theo lời giới thiệu của đầu bếp thì món gỏi làm từ cá hồi sống là một trong những món bổ dưỡng nhất, nhưng với những thực khách lần đầu nếm thử thì cũng hơi ngại ngần. Khi chưa quen thì chần lát phi lê tươi sống ấy vào nước cốt chanh tươi để làm chín, rồi mới cuốn cùng các loại rau rừng, gia vị và chấm với nước tương trộn mù tạt. Vị thanh mát, ngậy bùi của thịt cá hồi quyện với vị cay nồng của mù tạt, vị chua chát của khế, dứa, rau rừng… khiến thực khách giàn giụa nước mắt một cách thích thú. Thích thú vì cảm nhận các loại rau và gia vị không chỉ làm gia tăng hương vị món ăn được chế biến từ cá hồi sống mà còn có tác dụng khử lạnh, cảm giác ngại ngần bỗng tan biến. 

Bên cạnh món gỏi nổi tiếng, cá hồi còn được những đầu bếp tài ba chế biến thành nhiều món, như tẩm bột chiên giòn, cuốn nấm nướng, nấu lẩu, nấu cháo đậu xanh… Dù được chế biến theo cách nào, thực khách cũng vẫn cảm nhận được vị thơm bùi, béo ngậy của thịt cá hồi hòa quyện với những gia vị đặc trưng của vùng cao phía Bắc.

Tuy nhiên, theo khách sành ăn, một bữa thường chỉ chọn vài ba món là vừa, ăn vậy sẽ không bị ngán và có thể cảm nhận được vị cá hồi lâu hơn. Như món cá hồi tẩm bột chiên giòn thường được dùng nóng, sao cho thực khách cảm nhận trọn vẹn sự tinh tế của món ăn, khi bên trong lớp vỏ vàng ươm giòn tan của lớp bột rán, miếng cá hồi vừa giữ sắc hồng đậm, vừa mềm ngọt, thơm phức; hay món da cá hồi chiên giòn vẫn giữ sắc xanh đen ánh đặc trưng; món cháo cá hồi nóng hổi vị thơm ngọt và sắc hồng đặc trưng. Nếu thong thả thời gian, có thể chọn thêm món cá hồi cuốn nấm kim châm nướng.

Ngồi dưới làn sương mỏng, bên bếp than hồng, thưởng thức món cá hồi do chính tay mình tự cuốn và nướng, kết hợp với các loại rau xứ lạnh cùng chén rượu ngô thơm nồng, tưởng như có thể hòa tan cùng hương vị núi rừng xứ mờ sương.

Hoa Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.