Multimedia Đọc Báo in

Món ngon từ gạch cua đồng kho quẹt

08:44, 04/04/2021

Ngày trước, nhà tôi còn khó khăn nên mâm cơm trên bàn lúc nào cũng chỉ là những món ăn dân dã tự cung tự cấp, chứ không mua ngoài chợ. Đó là mớ rau muống, rau lang, rau càng cua non mượt bà lom khom hái ngoài vườn; những con cá, con ốc, mớ tép do chính tay mẹ đi mò, đi xúc ở mương hay những chú ếch, nhái mà ba đi soi đến tận đêm có được...

Nhớ nhất là vào những ngày nghỉ, anh em chúng tôi hay xách xô, oi ra đồng móc cua mang về cho mẹ chế biến thức ăn. Thịt cua đồng được mẹ nấu canh, kho, rang muối. Thường thì mẹ kho tiêu để ăn được mấy ngày. Riêng gạch cua ở mai, mẹ cho vào tô để làm món gạch cua đồng kho quẹt. Đây là món ăn dù dân dã, đơn giản nhưng cả gia đình tôi rất thích vì hương vị đậm đà.

âd
Món gạch cua đồng kho quẹt.

Để làm món gạch cua đồng kho quẹt, mẹ bắc chảo đất lên bếp than. Khi chảo nóng, mẹ cho một muỗng mỡ heo đã ép vào, đập vài tép tỏi để vào chảo mỡ đang sôi cho dậy mùi thơm. Tiếp đến, mẹ trút tô gạch cua vào chảo xào nhẹ nhàng để gạch cua săn lại, giòn sựt. Sau đó mẹ để hỗn hợp nước lọc, hành tím xắt nhuyễn, tiêu, ớt, nước mắm, muối và bột ngọt sao cho vừa miệng. Nước mắm để làm kho quẹt là loại nước mắm đặc biệt do chính tay mẹ ủ và pha chế nên rất thơm ngon. Áng chừng năm phút, chảo kho quẹt kẹo lại, mùi hương bay khắp nhà, mẹ lại cho tóp mỡ heo vào rồi nhấc chảo xuống. Chỉ mới nghe mùi kho quẹt thôi mà cả nhà đã đói bụng, nhanh chân ngồi vào bàn ăn.

Món cua đồng kho quẹt đi suốt tuổi thơ tôi. Cho đến tận bây giờ tôi vẫn còn nghiện. Cứ mỗi lần về quê, tôi lại chạy ra đồng bắt cua về cho mẹ chế biến (hoặc mẹ ra chợ mua). Dù bao nhiêu năm, thời gian đã thay đổi, cuộc sống khác xưa khá nhiều nhưng đối với tôi, hương vị món ăn ấy vẫn còn vẹn nguyên như thời hàn vi thuở nào…

Trần Thái Học


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.