Đặc sản lẩu mắm miền Tây
Muốn thưởng thức hầu như đầy đủ các loài cá, mắm, rau vườn của miền Tây, cách hay nhất là các bạn hãy ăn “lẩu mắm”. “Lẩu” thật ra có gốc từ món “cù lao” trong những đám tiệc xưa kia. Cù lao là món canh, súp được nấu chín để trong nồi nhôm hình vành khăn tròn có đế, giữa trống, bọng để than cho sôi nóng. Lẩu mắm xuất hiện đầu tiên ở Cần Thơ khoảng những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, đến nay đã trở thành phổ biến.
Thường có ba loại lẩu thông dụng, phổ biến: lẩu chua, lẩu ngọt, lẩu mắm. Trong đó, lẩu mắm là loại lẩu đặc sắc của miền Tây Nam Bộ bởi nó tổng hợp nhiều yếu tố ẩm thực đặc trưng.
Hấp dẫn lẩu mắm. |
Nguyên liệu cơ bản phải có là mắm (làm nước cốt), cá tươi (mồi), rau các loại (bổi, nhúng). Về mắm: có nhiều loại mắm để làm nước cốt như mắm cá linh, cá sặt, cá trèn, cá lóc, cá rô; trong đó loại mắm cá linh độc đáo nhất và thường được sử dụng nhiều nhất.
Về cá: lẩu mắm gần như sử dụng hầu hết các loại “mồi” đồng như: cá ba sa, cá ngát, cá lóc, cá trê, cá rô, cá sặt, cá kèo, cá chạch, lươn, ốc, ếch, tép, cá mè, cá lòng tong, cá trắng… Các loại hải sản cũng có mặt góp phần phong phú cho lẩu mắm như: tôm sú, mực lá, bạch tuộc, cá cơm… Thịt bò tươi, lòng, nọng, ba rọi heo, thịt gà, thịt vịt đều có thể dùng trong lẩu mắm.
Trong khi các loại lẩu khác như lẩu chua, lẩu ngọt có danh mục rau, bổi phù hợp với đặc tính của mình thì lẩu mắm thì gần như không hạn chế các loại rau. Có thể kể trên hơn 30 loại rau ở miền Tây dùng để ăn với lẩu mắm. Nhóm “rau chợ” như: cải xanh, giá sống, cải ngọt, cà phổi, nấm rơm, đậu bắp, khổ qua, rau nhút, bắp cải, mồng tơi, rau muống tàu, cải cúc, tần ô, cải ngọt, bạc hà, bông thiên lý, cải bẹ dúm, mướp hương, rau má… Nhóm “rau vườn” hay “rau rừng” rất phong phú, là các loại rau tìm hái trong thiên nhiên hoang dã như: bông và củ hủ lục bình, cù nèo, rau mác, bông bí, đọt bí, đọt choại, đọt dớn, cải trời, cải đất, đọt mướp, mỏ quạ, dây bình bát, rau trai, rau đắng, rau dừa, bông điên điển, rau lang, càng cua, bắp chuối, bông súng, rau muống đồng, môn đúm, bông so đũa, đậu rồng…
Thông thường cũng hơi khó kiếm một lúc đầy đủ các loại rau trên. Nhưng sau khi nước lũ rút ở Đồng bằng sông Cửu Long, đất đai khô ráo, tiết trời sang xuân ấm áp thì các loài rau rừng, vườn sinh sôi phát triển rất phong phú.
Về miền Tây du ngoạn miền sông nước, thưởng thức món lẩu mắm “hoành tráng” tổng hợp trên 30 loại rau, mười mấy loại cá mắm sẽ cho bạn nhiều bất ngờ thú vị với những ấn tượng khó quên!
Mai Lý