Multimedia Đọc Báo in

Bàu Sanh

09:13, 29/06/2010

Đi bằng thuyền máy từ bến sông Krông Ana trên địa bàn thị trấn Buôn Trấp xuôi theo dòng Krông Ana khoảng 5 km, đến Ngã Sáu sông nơi giao nhau với dòng Krông Nô, tiếp tục ngược sông Krông Nô khoảng 4 giờ đồng hồ mới đến được Bàu Sanh.

Đây là một hồ nước tự nhiên nằm trên địa phận của hai huyện Lak (Dak Lak) và Krông Nô (Đăk Nông) với diện tích mặt nước gần 1.600 ha. Tại đây, hàng chục năm qua có nhiều gia đình làm ăn sinh sống nhờ nguồn tôm cá trong bàu. Thế nhưng vài năm gần đây, vì nhiều lý do khác nhau, họ đã phải từ bỏ vùng đất trù phú nổi tiếng một thời này để đến nơi khác và đến nay chỉ còn lại 5 gia đình bám trụ được. PV báo Dak Lak điện tử đã tiếp cận nơi “thâm sơn cùng cốc” này và ghi lại những hình ảnh về cuộc sống của những người dân nơi đây.

Trên dòng Krông Ana.
Trên dòng Krông Ana.

Để đến được Bàu Sanh, chúng tôi đã đi qua nhiều vùng đất dọc dòng sông Krông Ana và Krông Nô huyền thoại.

Đến cửa bàu, chúng tôi lại phải tiếp tục ngồi thuyền nhỏ thêm gần một tiếng nữa mới đến được nơi năm gia đình này tụ họp làm ăn.
Đến cửa bàu lại phải tiếp tục ngồi thuyền nhỏ thêm gần một tiếng nữa mới đến được nơi 5 gia đình này tụ họp làm ăn.

Bao quanh bàu là những cánh rừng nguyên sinh với thảm động thực vật phong phú và còn khá nguyên vẹn. Tiếng bì bõm của mái chèo hòa chung cùng tiếng chim kêu vượn hót tạo nên một bức tranh sinh động của thiên nhiên nơi đây.

Đến nơi cũng là lúc ánh hoàng hôn buông xuống.
Đến nơi cũng là lúc hoàng hôn buông xuống.
 Nơi ở của họ là những túp lều mái lán đơn sơ nằm chênh vênh ven sườn núi.
Nơi ở của các hộ dân là những túp lều đơn sơ chênh vênh ven sườn núi.
Đây là những hộ dân cuối cùng còn bám trụ lại trên mảnh đất này. Từ Thừa Thiên Huế, họ đã có mặt ở Bàu Sanh từ những năm 80 của thế kỷ trước. Cuộc sống của họ phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn tôm cá tự nhiên trong bàu. Ông Hồ Văn Hiền, một trong những người có mặt ở chốn xa xôi này sớm nhất cho biết, trước đây có khoảng 10 hộ cùng làm ăn sinh sống nhưng vì tôm cá thì ngày càng ít mà nghề đánh bắt cá trên bàu lại quá vất vả nên nhiều người đã bỏ đi nơi khác làm ăn. 
Việc đánh bắt cá chủ yếu diễn ra vào ban đêm.
Việc đánh bắt cá chủ yếu diễn ra vào ban đêm.
Việc thả lưới, thu cá, bán cá …đều diễn ra trong đêm hôm khuya khoắt giữa mênh mông nước. Anh Đặng Quốc Khanh, một ngư dân ở đây cho hay, phải làm như vậy mới đưa được cá còn sống đến cửa sông Krông Nô nhập cho thương lái trước 4 giờ sáng.
 
Và cứ tờ mờ sáng là họ lại dong thuyền ra khơi để thu lưới về để chuẩn bị cho lần đánh bắt vào đêm hôm sau.
Và cứ tờ mờ sáng là họ lại dong thuyền ra hồ để thu lưới về, chuẩn bị cho lần đánh bắt vào đêm hôm sau.

Người dân ở đây cho biết, kể từ khi Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah trên thượng nguồn sông Krông Nô đưa tổ máy số 2 vào hoạt động vào cuối năm 2009 đến nay, việc đóng, xả nước để phát điện của nhà máy đã làm thay đổi quy luật tự nhiên của dòng sông này. Từ đó làm ảnh hưởng đến việc di chuyển, sinh trưởng của động thực vật trên sông, nguồn tôm cá trong bàu ít đi thấy rõ.

Cá tôm ngày càng nhỏ mà số lượng lại quá ít ỏi.
Cá tôm ngày càng nhỏ mà số lượng lại quá ít ỏi.
Nhiều tấm lưới kéo lên nhưng chẳng có con cá nào mắc vào.
Nhiều tấm lưới kéo lên nhưng chẳng thu được gì.

 

Tỉ mỉ gỡ từng con cá nhỏ để chúng khỏi chết, có như vậy thì mới giữ được đến hôm sau bán cho thương lái.
Tỉ mỉ gỡ từng con cá nhỏ để chúng khỏi trầy xước, có như vậy mới giữ được đến hôm sau bán cho thương lái.
Cuộc sống cách biệt với thế giới bên ngoài, mọi điều kiện phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày đều thiếu thốn, đặc biệt là nước sạch. Ở đây, tất cả mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào nguồn nước trong bàu. Hơn thế, việc phải sống giữa núi rừng hoang vu thì điều kiện chăm sóc y tế gặp rất nhiều khó khăn. Vào mùa nước lên, mỗi khi ốm đau, bệnh tật thì phải mất cả ngày trời mới đến được cơ sở y tế gần nhất. Vậy nhưng họ vẫn thương yêu đùm bọc nhau để bươn chải mưu sinh, lo toan cho tương lai của con cái...
Ở đây, nước sạch là thứ xa xỉ, tất cả mọi sinh hoạt đều từ nguồn nước trong bàu.
Ở đây, tất cả mọi sinh hoạt đều từ nguồn nước trong bàu.
 
Về lâu dài, nên chăng chính quyền sở tại cũng như các ngành liên quan đặc biệt là ngành thủy sản, lâm nghiệp và ngành du lịch tận dụng diện tích mặt nước để nuôi trồng thủy sản đồng thời tận dụng cảnh quan thiên nhiên còn khá nguyên vẹn vào việc phát triển du lịch, biến Bàu Sanh như một điểm dừng trong tour du lịch trên những dòng sông huyền thoại. Khi ấy, Bàu Sanh hữu tình không chỉ là nơi sinh sống của thưa thớt năm ba hộ dân như hiện nay mà có thể trở lại là vùng đất trù phú, thu hút mọi người như nó vốn có.

 Giang Nam

 


Ý kiến bạn đọc