14:29, 27/07/2010
Ở Campuchia có một hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á tên là Tonlé Sap (Biển Hồ). Mùa nước cạn, hồ có diện tích 3.000km2, mùa nước lớn diện tích hồ lên tới 10.000 km2. Trên mặt hồ, có một cụm dân cư sinh sống lênh đênh trên các chiếc thuyền (người dân địa phương gọi là Làng nổi), trong đó có khoảng 360 hộ, gần 2.000 người Việt
Nguồn sống chủ yếu của cộng đồng người Việt trên Biển Hồ là nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Tuy nhiên, số gia đình có đủ điều kiện làm bè nuôi cá là rất ít vì thiếu vốn. Phần đông còn lại là làm nghề chài lưới, đánh bắt cá trên hồ, thu nhập kiếm được cũng chỉ đắp đổi qua ngày và sửa chữa tàu thuyền chứ chưa có tích lũy.Theo luật pháp Campuchia, mỗi năm chỉ được đánh bắt cá từ tháng 10 năm trước đến tháng 6 năm sau. Bốn tháng còn lại là mùa sinh sản nên không được đánh bắt thủy sản. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc ngư dân thất nghiệp
|
Một góc Làng nổi |
Mỗi ngày, Biển Hồ đón hàng trăm khách du lịch quốc tế đến tham quan. Tiền thu được từ các dịch vụ kèm theo không ít nhưng hầu hết không thuộc về người Việt. Ở đây, người Việt cũng làm du lịch nhưng chỉ dừng lại ở việc buôn bán vài thứ sản vật của vùng sông nước, hoặc may mắn lắm là kiếm được “một chân” lái thuyền thuê.
|
Dịch vụ đưa đón khách du lịch ra Làng nổi mang lại thu nhập khá lớn nhưng hầu hết thuộc về người Campuchia |
Không có việc làm, họ phải kiếm kế sinh nhai bằng đủ thứ nghề khác nhau, kể cả việc đuổi bám các thuyền chở khách du lịch để bán sản vật miền sông nước, nước giải khát…, bất chấp nguy hiểm.
|
Một bé gái đang mời khách du lịch mua nước giải khát |
|
Mặc cho sóng nước, hai đứa trẻ vẫn cố bám theo thuyền để mời du khách mua cá sấu |
|
Tương tự, hai đứa trẻ này cũng đang tăng tốc bám theo thuyền chở khách du lịch…, |
|
… mời mua con trăn do bố mẹ vừa bắt được…, |
|
… Và, tỏ vẻ thất vọng khi chẳng ai mua |
|
Người lớn lo “Cơm, áo, gạo, tiền” nên đứa bé chưa đầy 2 tuổi này phải tự “chơi” với nước |
Cuộc sống quá khó khăn nên việc học hành của những đứa trẻ ở đây cũng chẳng được quan tâm. Hơn 10 năm, tại đây đã có một ngôi trường mang tên “Trường học Việt Nam” được xây dựng từ nguồn tài trợ của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại tỉnh Siêm Riệp và nhiều tổ chức, cá nhân khác. Gọi là trường nhưng thực chất chỉ là một căn nhà bè nổi trên mặt nước, rộng vài chục mét vuông và mấy chục bộ bàn ghế.
|
Giờ ra chơi của các em học sinh |
Thầy Trần Văn Tư, sinh năm 1937, người đã tình nguyện sang đây dạy học từ khi trường mới thành lập tâm sự: Tất cả học sinh học tập ở đây đều được miễn phí toàn bộ. Dù vậy, “kéo” được bọn trẻ đến lớp là công việc không đơn giản. Hầu hết là nhà nghèo nên bọn trẻ phải ở nhà phụ giúp cha mẹ. Thế hệ chúng tôi khổ đã đành. Chỉ thương cho lũ trẻ, nếu không được ăn học đến nơi đến chốn thì khó có thể vươn lên được…
Lê Ngọc
Ý kiến bạn đọc